Bánh gai Đại Đồng: Đặc sản mang hương vị quê lúa Thái Bình

Sản phẩm - Dịch vụ
07:00 AM 27/03/2024

Từ lâu, Bánh gai Đại Đồng (thôn Đại Đồng, xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình. Bánh gai chính là sự hòa quyện của các nguyên liệu như: lá cây gai, gạo nếp, vừng, lạc, đậu xanh, bí đao, cùi dừa, đường, mỡ thịt lợn,… mang tới hương vị ẩm thực thơm ngon, vị béo, ngậy và gìn giữ đặc sản truyền thống của dân tộc.

Bánh gai thơm ngon của làng Đại Đồng, vị béo, ngậy, hấp dẫn người dùng

Bánh gai là món bánh ngọt truyền thống xuất hiện phổ biến ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Trên mảnh đất Thái Bình, làng Đại Đồng được coi là quê hương của bánh gai. Bánh gai ở nơi đây đã có lịch sử khoảng 400 năm, xưa kia bánh gai chỉ làm trong dịp lễ Tết để thờ cúng hoặc làm quà biếu, nhưng ngày nay bánh được làm quanh năm.

Bánh gai Đại Đồng: Đặc sản mang hương vị quê lúa Thái Bình- Ảnh 1.

Thưởng thức những chiếc bánh gai thơm ngon đến từ quê hương Thái Bình

Để làm ra những chiếc bánh gai thơm ngon, đòi hỏi người làm bánh cần có sự kiên trì, tỉ mỉ và kinh nghiệm trong từng công đoạn. Đầu tiên là làm cùi bánh. Lá gai tươi tuốt lấy phần thịt, bỏ gân và cuống, phơi nắng thật khô, giòn. Trước khi đem nghiền thành bột phải ngâm lá trong nước, ngâm càng lâu sau bánh sẽ càng mềm. Tuy nhiên, lá không được ngâm quá một ngày. Lá ngâm được vớt ra, thái nhỏ cho vào nồi luộc, thường là 12 giờ đồng hồ thì đổ lá rửa lại lần nữa, cho lên giàn ép kiệt nước sau đó cho vào máy xay thành bột đen nhuyễn.

Tiếp đó, gạo nếp (làm từ gạo nếp thơm hoặc nếp Thái Bình) đem vo sạch rồi ngâm vài tiếng cho mềm mới đổ ra, để ráo nước rồi đem xay thành bột mịn. Đường dùng làm bánh phải là đường trắng, nếu là đường phên phải đập nhỏ. Bột lá gai, bột gạo nếp cùng với đường được nhào với nhau bảo đảm cho vỏ bánh mịn màng có màu óng như thạch. Trước kia, công đoạn trộn bột làm thủ công nhưng nay đã thay bằng máy móc nên vỏ bánh dẻo ngon và năng xuất hơn.

Bánh gai Đại Đồng: Đặc sản mang hương vị quê lúa Thái Bình- Ảnh 2.
Bánh gai Đại Đồng: Đặc sản mang hương vị quê lúa Thái Bình- Ảnh 3.

Quy trình sản xuất bánh gai của cơ sở sản xuất Hoàng Nhung - Ảnh: Thành Trung

Rồi đến công đoạn làm nhân bánh: đậu xanh vỡ hạt đem ngâm nước, đãi sạch vỏ, đồ cho chín rồi giã nhuyễn. Mỡ lợn dày khổ, mứt bí đao thái nhỏ như hạt lựu. Tất cả các thứ trên đem trộn đều với đường, lạc và hạt sen thành những nắm to nhỏ tuỳ theo cỡ bánh định làm. Tuy nhiên, so với những nơi làm bánh gai khác, nhân bánh gai Thái Bình có thêm lạc, tạo nên độ bùi và ngậy đặc biệt riêng khi thưởng thức.

Sau khi nặn bánh, thì lăn bánh vào mỡ nước một lượt rồi rắc vừng lên trên cùi bánh để bánh được bóng, bóc lá không bị sát và có độ ngậy khi ăn. Trước khi được gói bằng lá chuối khô, bánh lăn vào mỡ nước một lượt, rắc hạt vừng lên cùi để bánh được bóng, khi bóc lá không sát và bánh có độ ngậy.

Khâu xôi bánh cũng cần hết sức cẩn trọng. Bánh vào chõ phải xếp theo cặp, bụng áp vào nhau, hướng khe lá xuống đáy chõ để hơi nóng vào thấu. Từ lúc nước nồi đáy sôi đến khi bánh chín, đúng hai giờ đồng hồ. Để bánh gai Đại Đồng không còn độ dai cần cho lửa cháy đều, nhỏ ngọn thì bánh sẽ rền, ngon. Cuối cùng, vớt bánh ra để cho thật ráo và nguội rồi thưởng thức.

Bánh gai Đại Đồng: Đặc sản mang hương vị quê lúa Thái Bình- Ảnh 4.

Bánh gai của cơ sở sản xuất Hoàng Nhung - Ảnh: Kim Dung

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Đại Đồng hiện nay vẫn giữ nguyên được nét văn hóa và thương hiệu của một làng nghề truyền thống không bị mai một bởi thời gian. Điển hình là cơ sở sản xuất bánh gai Hoàng Nhung đã làm ra những sản phẩm bánh gai thơm ngon, mang  hương vị đặc trưng riêng, chất chứa tấm chân tình của người dân nơi đó.

Bánh gai Đại Đồng: Đặc sản mang hương vị quê lúa Thái Bình- Ảnh 5.

Bánh gai Đại Đồng - Đặc sản của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Ông Ngô Hồng Sơn – Cán bộ quản lý của cơ sở sản xuất bánh gai Hoàng Nhung chia sẻ: "Đã nhiều năm gìn giữ và duy trì nghề truyền thống của làng, cơ sở sản xuất của tôi luôn cung ứng những chiếc bánh gai ngon ra thị trường, mang đậm hương vị đặc trưng của quê hương, đảm bảo VSATTP từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, hoàn thiện sản phẩm đến với người tiêu dùng. Mỗi ngày, cơ sở của chúng tôi sản xuất khoảng 1000 chiếc/ngày. Thu nhập bình quân mỗi năm của cơ sở khoảng 200 triệu đồng.

Hiện tại, sản phẩm của chúng tôi đang được phân phối ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sản phẩm ngày càng đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhiều hơn, trở thành ẩm thực tiêu biểu của quê hương Thái Bình".

Bánh gai Đại Đồng: Đặc sản mang hương vị quê lúa Thái Bình- Ảnh 6.

Bánh gai thơm ngon của làng Đại Đồng, vị béo, ngậy, hấp dẫn người dùng

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Kha - Chủ tịch UBND xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư cho biết: "Làng nghề sản xuất bánh gai đã có từ lâu đời, đang được bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 hộ gia đình tham gia kinh doanh sản xuất bánh gai quanh năm, còn đến Tết số lượng hộ tham gia sẽ nhiều hơn. Tất cả các hộ đều tuân thủ các quy định về ATVSTP và PCCC. Thời gian tới, bánh gai Đại Đồng sẽ trở thành 1 trong số những sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Bình.

Làng nghề đã thu hút hàng trăm lao động tham gia, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con địa phương. Ðây cũng là động lực để những người thợ làm bánh gai làng Đại Đồng tiếp tục gắn bó, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông".

Cũng giống như bánh cáy làng Nguyễn, bánh gai Đại Đồng sẽ là thứ quà quê giản dị, mộc mạc mà chân thành dành cho du khách mua về làm quà mỗi dịp ghé thăm quê hương Thái Bình.

Thành Trung - Kim Dung
Ý kiến của bạn