Bánh trung thu cổ truyền - Sản phẩm OCOP Hà Nội thích nghi với COVID-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:07 AM 16/09/2021

Đối diện khó khăn do đại dịch COVID-19, những sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) mang đậm giá trị văn hóa truyền thống như bánh Trung thu cổ truyền Bảo Phương (phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đang thích nghi với biến động của thị trường mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Bánh trung thu Bảo Phương gói trọn tinh hoa ẩm thực cũ xưa

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các cơ sở sản xuất bánh kẹo - sản phẩm OCOP truyền thống của Hà Nội không tiêu thụ được qua kênh bán hàng truyền thống. Để tháo gỡ khó khăn này, các doanh nghiệp, chủ sản xuất đang đẩy mạnh đưa các sản phẩm OCOP bán trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và lên sàn thương mại điện tử như Shopee,... Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thích ứng với nhu cầu của thị trường, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Một trong số sản phẩm OCOP truyền thống đang tích cực thích nghi với "biến đổi" của thị trường chính là bánh Trung thu cổ truyền Bảo Phương (phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) ra đời từ năm 1954.

Bánh trung thu cổ truyền - Sản phẩm OCOP Hà Nội thích nghi với COVID-19 - Ảnh 1.

Các sản phẩm bánh Trung thu Bảo Phương được chứng nhận OCOP 4 sao.

Tại Hà Nội, hàng vạn người đều biết đến sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo của cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Phương mang đậm hương vị bánh truyền thống của mảnh đất Hà Thành xưa. Vậy nên, các sản phẩm của Bảo Phương được bán quanh năm, song nhộn nhịp nhất vẫn là dịp Tết Trung thu, thường bắt đầu từ rằm tháng Bảy đến hết tháng Tám Âm lịch. Khi đó, cửa hàng Bảo Phương luôn chật kín khách, người dân kiên nhẫn xếp thành hàng dài để mua cho được những cặp bánh thơm ngon về tặng người thân, đối tác.

Không chỉ người Hà Nội, mà khách ngoại tỉnh, thậm chí là Việt kiều cũng tìm đến đây xếp hàng nhẫn nại chờ mua bánh. Thế nhưng, năm nay do giãn cách xã hội, Bảo Phương đã và đang đẩy mạnh bán hàng online.

Tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP Hà Nội, cơ sở bánh Trung thu Bảo Phương có các sản phẩm như: Bánh dẻo nhân đậu xanh; Bánh dẻo nhân thập cẩm; Oản đường; Bánh nướng nhân thập cẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Đó đều là những sản phẩm vô cùng mộc mạc, dân dã, mang đậm nét văn hóa ẩm thực truyền thống. Đặc biệt, bánh Trung thu Bảo Phương đang cạnh tranh rất tốt với các sản phẩm bánh trung thu mang nhiều vị hiện đại trên thị trường.

Theo chiến lược kinh doanh, trong tương lai, cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Phương sẽ tích cực phát triển hơn nữa để các sản phẩm đạt chỉ tiêu 5 sao OCOP và hướng tới thị trường nước ngoài.

Thực tế, từ khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP. Hà Nội khởi động, nhiều chủ thể, địa phương đã bắt đầu gìn giữ và phát huy, làm mới những sản phẩm truyền thống để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp thành phố. Điển hình, cơ sở kinh doanh của Bảo Phương hiện đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, giúp họ có cuộc sống ổn định.

Tuy nhiên, theo chia sẻ từ doanh nghiệp, do giãn cách xã hội kéo dài khiến số nhân lực làm việc giảm sút mạnh so với nhiều năm. Vì vậy, Bảo Phương đang đẩy mạnh năng suất làm việc nhiều nhất có thể để sản phẩm đến tay khách hàng trong mùa Trung thu năm nay.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới từng chia sẻ với báo chí: Sản phẩm OCOP mang tính cộng đồng, địa phương nên hầu hết các sản phẩm đều bắt nguồn, chứa đựng những nét truyền thống của cộng đồng dân cư. Trong câu chuyện sản phẩm khi tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm trong suốt chiều dài thời gian. Theo đó, những tác động của sản phẩm đến cộng đồng, không chỉ dừng lại ở tạo việc làm, nâng cao thu nhập... mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.

Bí quyết đem lại sự hấp dẫn của thương hiệu bánh Trung thu Bảo Phương

So với các thương hiệu khác, điểm nổi bật của Bảo Phương là làm theo phương thức cổ truyền, không sử dụng chất bảo quản nên vẫn giữ nguyên được hương vị của các nguyên liệu. Phần nguyên liệu của bánh nướng và bánh dẻo đều được cho vào một lượng bột nếp nhất định để làm vỏ bánh. Do đó, khi pha chế bột hay trong quá trình nhào nặn bánh đều phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp mới tạo ra hương vị hoàn hảo.

Bánh trung thu cổ truyền - Sản phẩm OCOP Hà Nội thích nghi với COVID-19 - Ảnh 2.

Quy trình sản xuất bánh Trung thu Bảo Phương chặt chẽ, đảm bảo.

Lớp nhân thập cẩm vô cùng phong phú, giữ nguyên hương vị truyền thống với những nguyên liệu mộc mạc như đậu xanh, hạt dưa, hạt sen, lạp xưởng, mứt bí… như gói trọn tinh hoa ẩm thực xưa trong đó. Hơn nữa, nguyên liệu làm bánh được chọn lọc kỹ càng, cao cấp nhất, lạp xưởng nhập từ Quy Nhơn, mứt hạt cũng mộc mạc, không pha tạp, mỡ phải là loại mỡ tươi lấy từ lò mổ về, không dùng mỡ đông lạnh.

Vỏ bánh được nướng vàng đều, bóng bẩy lớp dầu còn mới nướng, bánh mềm dẻo vừa phải, dễ ăn. Nhân bánh dẻo nổi bật gồm loại bánh chay, đậu xanh hạt dưa, thập cẩm. Còn bánh nướng thì đa dạng hơn như đậu xanh hạt dưa, đậu xanh trứng muối, sen nhuyễn trứng muối, thập cẩm.

Đặc biệt, nhờ công thức làm bột riêng nên bánh chín phồng được từ bên trong, có độ nở khiến bánh có thể biến đổi hình dạng chứ không cố định vuông vức như nhiều loại bánh Trung thu sản xuất công nghiệp. Vậy nên, tổng thể chiếc bánh Trung thu mang thương hiệu Bảo Phương luôn sạch, không chất bảo quản nên khách hàng rất ưa chuộng.

Nhìn những người thợ cần mẫn làm thủ công từng chiếc bánh nhỏ. Tuy có máy móc hỗ trợ nhưng nhiều khâu vẫn cần đến sự tỉ mỉ của bàn tay người thợ. Vì vậy, chiếc bánh ngon là do khâu chế biến, mùi vị của nó chỉ ngửi cũng có thể phân biệt được. Có lẽ, đó là bí quyết giúp món bánh Trung thu Bảo Phương vẹn nguyên hồn cốt truyền thống dù đã qua gần 70 năm như chính slogan của Bảo Phương: Hương vị cổ xưa.

Bài viết được đồng hành bởi Văn phòng Nông thôn mới Hà Nội.

Lê Tuấn
Ý kiến của bạn
Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.