Báo chí nâng tầm thương hiệu du lịch Việt từ truyền thông xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nhu cầu du lịch gắn với bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng, du lịch xanh không còn là khái niệm mới mà đã trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp không khói. Với lợi thế tài nguyên và văn hóa, việc phát triển du lịch xanh giúp Việt Nam có cơ hội khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, trong đó, báo chí truyền thông đóng vai trò quảng bá điểm đến, “cầu nối nhận thức” và lan tỏa giá trị xanh đến cộng đồng.
Du lịch xanh - từ lựa chọn đến tất yếu để phát triển bền vững
Mặc dù góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng ngành du lịch vẫn gây ô nhiễm môi trường do xả thải từ các phương tiện vận chuyển, nhà hàng, khách sạn và từ chính khách du lịch.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch chiếm khoảng 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu du lịch hậu đại dịch COVID-19 đang hồi phục nhanh chóng, kéo theo nguy cơ gia tăng áp lực lên môi trường tự nhiên, văn hóa địa phương và hạ tầng xã hội.
Thực tế ấy buộc các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải lựa chọn con đường phát triển du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trước mắt mà còn gìn giữ được giá trị lâu dài cho thế hệ tương lai. Chuyển đổi sang du lịch xanh, du lịch tuần hoàn, du lịch sinh thái hay du lịch cộng đồng không còn là lựa chọn mà đang trở thành tiêu chí cốt lõi trong chiến lược phát triển.

Việt Nam với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, bản sắc văn hóa đa dạng và chính sách phát triển du lịch được quan tâm chỉ đạo sát sao từ Trung ương đến địa phương, đang đứng trước cơ hội vàng để chuyển mình. Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ phát triển ngành du lịch đã nêu rõ yêu cầu "khuyến khích phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, bảo đảm cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường".
Mới đây, tại diễn đàn Diễn đàn "Phát triển Điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam", ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lich Việt Nam đã phát biểu: "Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy giao lưu văn hóa, mà còn là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia".
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức, "chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và có tương lai", ông Bình chia sẻ.

Du lịch sinh thái trên thuyền tại di sản UNESCO Tràng An (Ninh Bình). Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Giờ đây phát triển du lịch xanh không chỉ là lời kêu gọi, mà phải được cụ thể hóa bằng hành động mạnh mẽ: quy hoạch du lịch phải đặt môi trường và con người ở trung tâm; chính sách đầu tư phải ưu tiên doanh nghiệp có cam kết xanh; cơ chế hỗ trợ cộng đồng phải gắn với gìn giữ bản sắc và chia sẻ lợi ích công bằng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía: chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư, du khách và toàn xã hội. Đặc biệt, vai trò của báo chí truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và lan tỏa giá trị du lịch xanh là hết sức quan trọng.
Báo chí truyền thông: Xây dựng nhận thức, truyền cảm hứng, tạo hiệu ứng lan tỏa
Trong kỷ nguyên của thông tin và truyền thông, báo chí không chỉ là người đưa tin, mà là người định hình tư duy. Việc chuyển đổi nhận thức xã hội từ du lịch truyền thống sang du lịch xanh đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ, chủ động và trách nhiệm của báo chí - như một "người thắp lửa".
Theo Tổng cục Du lịch, bằng chính sách thị thực thông thoáng và hiệu quả từ các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đã đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế; khách du lịch nội địa đạt 110 triệu lượt.
Con số ấn tượng ấy cũng đặt ra thách thức trong việc quản lý điểm đến, bảo vệ tài nguyên và duy trì trải nghiệm du lịch tích cực. Báo chí, thông qua các bài viết chất lượng đã tiên phong trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về khái niệm và tầm quan trọng của điểm đến xanh, du lịch xanh. Các chiến lược truyền thông đã biến những khái niệm khô khan như "phát thải ròng bằng 0", "kinh tế tuần hoàn", hay "du lịch bền vững" thành ngôn ngữ gần gũi với cộng đồng. Qua đó thúc đẩy chuyển đổi hành vi - từ cá nhân du khách, đến doanh nghiệp lữ hành, và cả chính quyền địa phương.

Cù Lao Chàm mang đậm nét đặc sắc của văn hóa biển đảo. Ảnh: Internet
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình du lịch xanh thành công tại Việt Nam đều gắn với sự đồng hành bền bỉ của báo chí. Câu chuyện Cù Lao Chàm trở thành điểm đến "không túi ni-lông", hay mô hình du lịch cộng đồng tại Nậm Đăm (Hà Giang) phát triển nhờ kết hợp bảo tồn văn hóa - sinh thái, đã được lan tỏa mạnh mẽ nhờ truyền thông. Những tuyến bài, phóng sự truyền cảm hứng không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến, mà còn tạo hiệu ứng nhân rộng trong nhiều địa phương.

Nặm Đăm hòa mình giữa thiên nhiên như một bức tranh đẹp. Ảnh: Huy Toán
Ở cấp địa phương, truyền thông cũng thể hiện rõ vai trò "đồng hành và thúc đẩy". Cụ thể như, Báo Tuyên Quang đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về du lịch, văn hóa trên các nền tảng xã hội như: baotuyenquang.com.vn, fanpage Báo Tuyên Quang online, youtube Báo Tuyên Quang online, tiktok Báo Tuyên Quang...
Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa với các bản tin chuyên đề về du lịch biển xanh - sạch đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân và du khách trong việc giữ gìn môi trường biển. Trong khi đó, tại Lào Cai, loạt phóng sự của Đài PT-TH tỉnh về mô hình "du lịch gắn với gìn giữ văn hóa bản địa" ở Sa Pa, Bắc Hà không chỉ giúp nâng cao giá trị điểm đến mà còn kích thích phát triển du lịch cộng đồng, giảm nghèo bền vững.

Các chương trình lễ hội, danh thắng nổi tiếng, món ngon hấp dẫn,... được lan tỏa rộng rãi trên trang mạng xã hội giúp cho du khách trong và ngoài nước biết đến Tuyên Quang nhiều hơn.
Bên cạnh đó, báo chí có vai trò lớn trong quảng bá hình ảnh các điểm đến xanh tới du khách trong nước và quốc tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, khi xu hướng lựa chọn điểm đến thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng, việc báo chí giới thiệu những giá trị nổi bật của các điểm đến xanh Việt Nam trở nên cấp thiết, từ đó truyền tải thông điệp về một Việt Nam tươi đẹp, phát triển bền vững.
Đặc biệt, thích ứng nhanh với thời cuộc, báo chí truyền thống đang tích cực chuyển mình, tận dụng các nền tảng mạng xã hội, báo điện tử, podcast, vlog du lịch để tiếp cận đa dạng đối tượng công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Những chiến dịch truyền thông sáng tạo như "Nói không với rác thải nhựa", "Du lịch không carbon", "Một chuyến đi - Một cây xanh" đã và đang được nhiều cơ quan báo chí và đài truyền hình triển khai thành công, góp phần lan tỏa thông điệp du lịch xanh sâu rộng trong cộng đồng.
Không chỉ đóng vai trò tuyên truyền và quảng bá, báo chí còn thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội trong quá trình phát triển du lịch xanh. Những bài viết phát hiện tình trạng xâm hại môi trường tại các điểm du lịch nổi tiếng, khai thác quá mức tài nguyên, hay du lịch "sống ảo" thiếu trách nhiệm... đã tạo sức ép để cơ quan chức năng vào cuộc, từ đó gìn giữ hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Hành động đồng bộ vì mục tiêu xanh
Có thể nói phát triển du lịch xanh, bền vững cần một chiến lược truyền thông dài hơn. Để báo chí thực sự là lực lượng đồng hành cùng ngành du lịch trong tiến trình chuyển đổi xanh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách; giữa các tổ chức quốc tế, dự án phát triển và các sáng kiến tại địa phương. Thông qua báo chí, các bên liên quan có thể hiểu rõ vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong phát triển điểm đến xanh, từ đó hợp tác hiệu quả hơn.

Các nhà báo, nhiếp ảnh gia ghi lại những hình ảnh đẹp nhất về ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín để quảng bá với du khách. Ảnh: Internet
Theo các chuyên gia, với sức mạnh của ngôn từ, hình ảnh và công nghệ, báo chí hiện đại cần cố gắng phát huy vai trò sáng tạo nội dung trên đa nền tảng - từ báo in, báo điện tử đến mạng xã hội để truyền tải thông điệp du lịch xanh một cách sinh động, dễ hiểu và hấp dẫn.
Trong hành trình là "người kể chuyện", quảng bá điểm đến, báo chí cần mạnh đào tạo đội ngũ nhà báo viết chuyên sâu về du lịch xanh thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ truyền thông về du lịch bền vững cũng cần được thể chế hóa thành các chương trình quốc gia, có chỉ tiêu, ngân sách cụ thể.
Xanh hóa ngành du lịch giờ đây không chỉ là một nhiệm vụ ngành, mà là bài toán tổng thể quốc gia trên con đường phát triển bền vững. Muốn nâng tầm thương hiệu du lịch Việt trên trường quốc tế, không thể chỉ trông chờ vào cảnh quan thiên nhiên hay di sản văn hóa. Yếu tố xanh - cả trong sản phẩm lẫn tư duy tiếp cận - mới là chìa khóa để du lịch Việt Nam phát triển bền vững.
Và báo chí, với sức mạnh định hướng và lan tỏa, giữ vai trò đặc biệt là người dẫn đường - không phải bằng lời hô hào, mà bằng hành động cụ thể, ngôn từ sắc sảo, góc nhìn nhân văn và trách nhiệm xã hội sâu sắc giúp Việt Nam ghi dấu ấn xanh trong tâm trí du khách toàn cầu. Một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và vì cộng đồng sẽ không chỉ đồng hành cùng ngành du lịch, mà còn tạo ra năng lượng tích cực để du lịch Việt Nam vươn xa - một cách bền vững, có bản sắc và đầy tự hào.
Huyền My
Với việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh và ban hành trên 61.000 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đến với người nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện thu hồi cho ngân sách nhà nước được gần 5.000 tỷ đồng.