Báo chí với sứ mệnh truyền thông trong kỷ nguyên xây dựng thương hiệu

Tiếp thị số
11:06 AM 14/04/2025

Trong dòng chảy phát triển của truyền thông hiện đại, báo chí vẫn giữ vai trò then chốt trong việc kết nối thông tin, lan tỏa giá trị và định hình thương hiệu cho cả địa phương lẫn doanh nghiệp. Không đơn thuần là “người đưa tin”, báo chí đang chuyển mình thành “người kể chuyện”, dẫn dắt công chúng đi qua những miền đất đẹp, những câu chuyện hay, và những thương hiệu tử tế.

Bất kỳ một cá nhân, tổ chức, địa phương hay doanh nghiệp nào cũng đều cần đến hình ảnh thương hiệu - không chỉ để được nhận biết, mà còn để ghi nhớ và tin tưởng. Trong hành trình đó, báo chí đóng vai trò khởi đầu vô cùng quan trọng. Những bài viết chân thực về địa phương, con người hay doanh nghiệp có chiều sâu sẽ giúp công chúng biết đến, muốn tìm hiểu, muốn gắn bó và muốn đồng hành.

Báo chí với sứ mệnh truyền thông trong kỷ nguyên xây dựng thương hiệu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Báo chí - "cây cầu" nối giữa vùng đất và công chúng

Từ một bản làng nơi rẻo cao Tây Bắc đến những đô thị ven biển phương Nam, đâu đâu cũng ẩn chứa những giá trị văn hóa, thiên nhiên và con người giàu bản sắc. Song, để những giá trị ấy vượt khỏi giới hạn địa lý, chạm tới trái tim công chúng trong nước và quốc tế - không thể thiếu vai trò lan tỏa của báo chí.

Báo chí chính là cây cầu nối giữa vùng đất và công chúng, giữa địa phương và quốc gia, giữa hiện tại và tương lai. Hơn cả việc giới thiệu cảnh đẹp hay món ăn ngon, báo chí giúp định hình một hình ảnh có chiều sâu: đó là cộng đồng bản địa thân thiện, là tinh thần đổi mới, là truyền thống đặc sắc.

Báo chí với sứ mệnh truyền thông trong kỷ nguyên xây dựng thương hiệu- Ảnh 2.

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên qua góc nhìn báo chí. Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Các phương tiện truyền thông đóng vai trò như công cụ quan trọng trong thiết lập hình ảnh, thương hiệu toàn diện và xuyên suốt cho địa phương, mở rộng giá trị địa phương ở nhiều cấp độ và không gian khác nhau. Thông qua các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự chuyên sâu, các điểm đến du lịch, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, làng nghề truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể... được thể hiện sinh động. Khi mỗi bài báo, mỗi phóng sự, chuyên đề viết về địa phương được đầu tư nghiêm túc, sẽ trở thành "tấm danh thiếp truyền thông" bền vững, giúp địa phương khẳng định vị trí trên bản đồ văn hóa - du lịch - đầu tư của cả nước.

Trên thực tế, đã có nhiều địa phương nhạy bén trong việc chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí nhằm xây dựng môi trường thông tin toàn diện, đầy đủ, tích cực qua đó mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư… Một địa phương phát triển chưa chắc đã được biết đến, nhưng một địa phương có truyền thông tốt sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn. Và để "truyền thông tốt", thì vai trò của báo chí là không thể thay thế.

Quảng Ninh là một địa phương điển hình. Trong sự phát triển của ngành du lịch, Quảng Ninh luôn có sự đồng hành, ủng hộ, chung tay đóng góp của các ngành, lĩnh vực khác. Trong đó báo chí, truyền thông đóng vai trò ngoại lực, tạo nên cú huých cho du lịch Quảng Ninh thay đổi diện mạo như ngày hôm nay.

Báo chí với sứ mệnh truyền thông trong kỷ nguyên xây dựng thương hiệu- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Internet

Không chỉ các địa phương hay các di sản lớn, mà nhiều vùng đất nhỏ bé cũng được kể tên nhờ báo chí. Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám ở Hà Giang; một làng ven biển ở Phú Yên với kỹ nghệ làm nước mắm lâu đời - Làng nước mắm truyền thống Gành Đỏ… đều trở thành nhân vật chính của những câu chuyện báo chí dung dị mà lay động. Báo chí trở thành chiếc gương soi ngược vào hồn cốt bản địa - để chính người dân thêm tự hào, du khách thêm yêu và chính quyền có thêm động lực gìn giữ.

Báo chí với sứ mệnh truyền thông trong kỷ nguyên xây dựng thương hiệu- Ảnh 4.

Làng nghề nước mắm Gành Đỏ. Ảnh: Internet

Đặc biệt qua "cầu nối" báo chí còn góp phần giúp địa phương kết nối với doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, góp vốn đầu tư. Từ đó quảng bá mảnh đất, con người với công chúng và phát huy tiềm năng lợi thế du lịch địa phương. Thực tế cho thấy, với các công trình chất lượng, đẳng cấp mà Tập đoàn Sun Group đã và đang triển khai ở khắp nơi trên dải đất hình chữ S, nhiều vùng đất đã thay da đổi thịt, định hình đẳng cấp phát triển du lịch như Đà Nẵng, Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Tây Ninh… 

Báo chí - với bản lĩnh chính trị, tinh thần đổi mới và trách nhiệm xã hội đã trở thành cầu nối tin cậy đưa hình ảnh địa phương lan xa, đưa bản sắc từng vùng đất hòa vào bản sắc Việt Nam, để mỗi bước phát triển của một tỉnh, một huyện - cũng là một nấc thang nâng tầm vị thế quốc gia.

Đồng hành cùng doanh nghiệp khẳng định bản sắc

Bên cạnh vai trò quảng bá địa phương, báo chí cũng là kênh quan trọng để doanh nghiệp thể hiện bản sắc thương hiệu, truyền thông chiến lược phát triển và lan tỏa giá trị đến xã hội. Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ mà còn chú ý đến văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm cộng đồng, đạo đức kinh doanh và hành trình phát triển bền vững. Báo chí là nơi giúp doanh nghiệp kể câu chuyện thương hiệu một cách sinh động, thuyết phục và đáng tin cậy.

Việc xuất hiện trên báo chí không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, mà còn tạo được sự kết nối với khách hàng, đối tác và công chúng. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, khi hình ảnh thương hiệu có thể quyết định sự thành công trên thị trường, thì báo chí càng giữ vai trò quan trọng trong việc tạo dựng và khẳng định bản sắc doanh nghiệp

Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự cố gắng không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng những nỗ lực toàn diện trong xây dựng hình ảnh quốc gia, trong đó, báo chí giữ vai trò quan trọng.

Báo chí với sứ mệnh truyền thông trong kỷ nguyên xây dựng thương hiệu- Ảnh 5.

Hình minh hoạ (Nguồn: forbes)

Câu chuyện của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk là một trong những ví dụ rõ nét cho sự đồng hành hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp. Từ một doanh nghiệp nhà nước sau thời kỳ bao cấp, đến nay Vinamilk đã vươn lên trở thành thương hiệu quốc gia, giữ vững vị trí hàng đầu ngành sữa Việt Nam và có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đằng sau sự phát triển vượt bậc ấy không thể không kể đến vai trò của truyền thông báo chí - nơi góp phần định vị thương hiệu, phản ánh những nỗ lực đổi mới, minh bạch hóa thông tin và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp vì cộng đồng.

Hình ảnh một doanh nghiệp "Vì một Việt Nam vươn cao" đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng không chỉ qua quảng cáo mà còn qua những tuyến bài phản ánh sinh động trên các trang báo lớn. Khác với hình thức quảng bá đơn thuần, báo chí chính thống mang đến góc nhìn khách quan, sâu sắc và nhân văn. Đó là lý do vì sao những bài viết về Vinamilk không chỉ dừng lại ở con số kinh doanh, mà còn tập trung vào giá trị cốt lõi như tính minh bạch, đạo đức kinh doanh, nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng và trách nhiệm môi trường.

Báo chí với sứ mệnh truyền thông trong kỷ nguyên xây dựng thương hiệu- Ảnh 6.

Ảnh: Vinamilk.

Bên cạnh những doanh nghiệp lớn, phải kể đến những thương hiệu nông sản như cà phê Buôn Ma Thuột, gạo ST25... những thương hiệu công nghệ, công nghiệp như VinFast, Viettel, Thaco... đều trưởng thành trong mạch chảy thông tin của báo chí chính thống. 

Các cơ quan báo chí trung ương đã xây dựng chuyên mục "Hàng Việt Nam - Tự hào thương hiệu Việt", "Tự hào Việt Nam xanh", loạt bài viết, talkshow, phóng sự truyền hình về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nông nghiệp sạch, thương mại điện tử... Nhờ báo chí, doanh nghiệp Việt không chỉ có thêm kênh quảng bá miễn phí và tin cậy, mà còn nhận được sự đồng hành từ chính sách. Đồng thời, người tiêu dùng trong và ngoài nước hiểu sâu hơn về sản phẩm, biết đến câu chuyện phía sau, và tin tưởng lựa chọn.

Thực tế cho thấy một quốc gia muốn phát triển mạnh không thể chỉ dựa vào tài nguyên hay vốn, mà phải dựa vào văn hóa và con người. Những thương hiệu Việt Nam muốn vươn ra toàn cầu không thể chỉ dựa vào giá thành hay sản lượng, mà phải dựa vào giá trị văn hóa, bản sắc và câu chuyện riêng biệt - mà báo chí chính là người "nhào nặn" và "kể lại" có sức thuyết phục nhất.

Trách nhiệm và bản lĩnh của "người kể chuyện" thời đại số

Cuộc cách mạng 4.0 đã và đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong toàn bộ hoạt động báo chí của nước ta hiện nay. Giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo ra những sản phầm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. 

Những sản phẩm báo chí multimedia (đa phương tiện) ra đời, với các kiểu bài như: infographics, e-magazine, long-form,… đã không còn xa lạ với độc giả, tạo nên những món ăn tinh thần mới mẻ, khác với những bài báo chỉ gồm chữ viết và ảnh minh họa đơn thuần. Những cơ hội tuyệt vời để sáng tạo đó đồng nghĩa với việc đặt đội ngũ những người làm báo trước thách thức không nhỏ trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ và phải luôn tự làm mới những tác phẩm của mình.

Báo chí với sứ mệnh truyền thông trong kỷ nguyên xây dựng thương hiệu- Ảnh 7.

Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ thôi là chưa đủ, người làm báo hôm nay không chỉ đối diện với sức ép của tốc độ, sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội, mà còn đứng trước vô vàn thách thức về đạo đức nghề nghiệp, tin giả, thông tin sai lệch và cả những cám dỗ đến từ lợi ích trước mắt. Để trở thành kênh thông tin được lựa chọn, tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ báo chí phải có giá trị thông tin, thông tin được xác minh, kiểm chứng và toàn cảnh. Hơn lúc nào hết, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng tiên phong trong truyền thông, lan tỏa thông tin chính xác, khách quan, đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hành trình từ trang báo đến trái tim công chúng là hành trình của niềm tin. Báo chí phải trở thành "người kể chuyện" không chỉ hay mà luôn đề cao trách nhiệm, góp phần xây dựng bản sắc, quảng bá hình ảnh địa phương, doanh nghiệp. 

Những bài viết chất lượng sẽ còn được đọc lại, được dẫn nguồn, được chia sẻ - thậm chí sau nhiều năm vẫn mang ý nghĩa truyền cảm hứng và định hướng xã hội. Khi báo chí kể chuyện bằng sự tử tế, bằng đam mê và bằng cả trái tim yêu nước, thì từng vùng đất Việt, từng thương hiệu Việt sẽ không còn chỉ được biết đến, mà còn được trân trọng, lan tỏa và hội nhập vững chắc trong cộng đồng quốc tế.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn