Bảo hiểm Xã hội Thanh Hóa: Khẩn trương hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp theo nghị quyết 68/NQ-CP
Trước tình hình dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống người lao động và doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.
- Thanh Hóa: Xây dựng ý thức công dân thời giãn cách
- Thanh Hóa: Học sinh đi học trở lại từ ngày 20/9/2021
- Thanh Hóa: Áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
- Tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Thanh Hóa: Ấm áp tình người trong các khu phong tỏa
Ra đời giữa bối cảnh cả nước đang dồn lực cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, một lần nữa cho thấy quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau" của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến cam go và đầy thách thức. Quyết sách này được kỳ vọng sẽ tạo thêm xung lực vật chất và tinh thần cho các đối tượng chịu tổn thương do tác động của đại dịch; đồng thời, góp phần bảo tồn nguồn lực lao động, nhằm tạo nền tảng cho sự phục hồi trở lại của nền kinh tế.
Trong 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ của Nghị quyết 68/NQ-CP, có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành BHXH, gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ.
Ngay sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các phòng chuyên môn và BHXH các huyện, thị xã tập trung hướng dẫn thủ tục và tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị; phân công cán bộ viên chức theo dõi, nắm bắt, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, sớm lập hồ sơ để được giải quyết việc tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định. Tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không để hồ sơ quá hạn, trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần.
BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết các thủ tục liên quan theo quy định. Khi nhận được quyết định về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHXH tỉnh đã chuyển kinh phí để doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ, nhằm duy trì việc làm bền vững của đơn vị, doanh nghiệp. Kịp thời thực hiện xác nhận các danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách NLĐ ngừng việc; danh sách lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và danh sách NLĐ được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ có đủ hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm ổn định đời sống, hoặc vay vốn để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.
Nghị quyết 68 của Chính phủ là quyết sách kịp thời, nhân văn, hợp lòng dân. Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận, hưởng thụ chính sách, một số ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết 68 đến người thực hiện chính sách cũng như các đối tượng thụ hưởng để nắm và thực hiện đúng quy định. Đồng thời cần rà soát, nắm bắt các bất cập khi triển khai thực hiện để kịp thời đề xuất các hướng giải quyết phù hợp… Song song đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để để phát huy hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ, không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách, đảm bảo chính sách được thực hiện công khai, minh bạch.
Chính sách xuất phát từ yêu cầu khách quan nhằm "giải đáp" những vấn đề bức thiết nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống. Nghị quyết 68/NQ-CP ra đời và hướng đến đảm bảo "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Với tinh thần quyết liệt, nhanh chóng, tính đến ngày 8/9/2021, BHXH tỉnh đã thực hiện: Giảm tiền đóng vào quỹ BHTNLĐ, BNN cho 6.254 đơn vị, 278.619 lao động với số tiền giảm đóng từ tháng 7 đến nay là 18.676.452.457 đồng. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất 06 tháng cho 03 đơn vị, 143 lao động với số tiền dự kiến là 820.863.582 đồng. Xác nhận Danh sách lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương (Mẫu số 05) cho 25 đơn vị với 351 lao động. Xác nhận danh sách lao động ngừng việc (Mẫu số 06) cho 13 đơn vị với 92 lao động. Xác nhận danh sách người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (Mẫu số 13a) cho 07 đơn vị, với 371 lao động. Xác nhận danh sách người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (Mẫu số 13c) cho 04 đơn vị, với 451 lao động.
Có thể nói, Nghị quyết 68/NQ-CP ra đời trong bối cảnh hiện nay có tác dụng như một "trợ lực", hay tạo thêm một "điểm tựa" giúp người lao động và người sử dụng lao động cùng chung vai chống đỡ, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và ổn định đời sống. Việc BHXH tỉnh Thanh Hóa triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch Covid-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.
Yến HoàngGiá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.