Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa: Tăng cường các giải pháp giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN

Địa phương
09:21 AM 01/07/2021

Trong những năm gần đây, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tìm giải pháp khắc phục tình trạng này đã và đang là trăn trở của các cấp, các ngành chức năng, trong đó có BHXH tỉnh Thanh Hóa.

Thực trạng vấn đề nợ đọng bảo hiểm

Tính đến hết ngày 31/5/2021, trên địa bàn tỉnh có 3.683 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trở lên với tổng số tiền nợ là 493,251 tỷ đồng, cụ thể: Nợ BHXH, BHYT, BHTN trong khối doanh nghiệp, tổng số đơn vị nợ là 3.496 đơn vị với số tiền nợ là 452,364 tỷ đồng, trong đó: 1.484 đơn vị nợ từ 1 đến 3 tháng với số tiền là 53,748 tỷ đồng; 270 đơn vị nợ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng với số tiền nợ là 35,619 tỷ đồng; 604 đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên với số tiền là 233,393 tỷ đồng; 382 doanh nghiệp nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, dừng hoạt động…) với số tiền nợ là 74,551 tỷ đồng. Điều đáng nói là, không chỉ có các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh mà các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan hành chính nhà nước hưởng lương từ ngân sách cũng nợ tiền BHXH…

Một số doanh nghiệp với số lao động nhiều có số tiền nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, điển hình như: Công ty CP sản xuất và thương mại Ba Lan - Bỉm Sơn (TB0001B) có 75 lao động nợ 49 tháng với số tiền 7,773 tỷ đồng, Xí nghiệp Sông Đà 10.5 (QA003A) có 256 lao động nợ 15 tháng với số tiền 5,63 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thiện Xuân - Lam Sơn (TAOO18A) có 43 lao động nợ 22 tháng với số tiền 1,066 tỷ đồng, Công ty TNHH Một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa (TA1533A) có 61 lao động nợ 63 tháng với số tiền 13,042 tỷ đồng…

Nợ BHXH, BHYT, BHTN trong khối hành chính sự nghiệp, tổng số đơn vị nợ là 187 với số tiền nợ là 11,668 tỷ đồng, trong đó: 150 đơn vị HCSN nợ từ 1 đến dưới 3 tháng với số tiền 6,903 tỷ đồng.v.v…

Việc nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động, nhất là khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí, khiến cuộc sống của họ luôn bấp bênh trước những áp lực của cuộc sống. Cũng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động đang bị các doanh nghiệp lợi dụng, đó là tình trạng doanh nghiệp lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH.

Có thể thấy rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp gặp khó khăn, do dịch bệnh kéo dài, một số đơn vị ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán; một số doanh nghiệp chậm được thanh toán vốn các hợp đồng, công trình, dự án đã thực hiện. Mặt khác, tình hình dịch COVID-19 diễn biến kéo dài và có chiều hướng phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đã khiến nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, việc làm và thu nhập của người lao động không ổn định dẫn đến không có khả năng đóng BHXH đúng hạn.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa: Tăng cường các giải pháp giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN - Ảnh 1.

Công ty Hancorp.2 chây ì BHXH nhiều năm qua.

Qua tìm hiểu, vẫn còn không ít doanh nghiệp có biểu hiện cố tình chây ỳ để chiếm dụng tiền đóng BHXH. Trong khi đó chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe khiến cho tình trạng nợ đọng BHXH của người lao động vẫn tồn tại và kéo dài với xu hướng ngày càng phức tạp. Theo quy định hiện hành mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHXH là rất thấp, thủ tục phạt lại phức tạp, không quy định xử phạt hình sự khi chủ sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, do vậy không răn đe được các chủ sử dụng lao động. 

Lực lượng thanh tra hoạt động mỏng, không thể kiểm tra hết các đơn vị, cơ quan BHXH, lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt nên mặc dù thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, nhưng hiệu quả không cao. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, mặc dù nguồn kinh phí trích nộp BHXH, BHYT, BHTN đã được bố trí đủ trong kinh phí thường xuyên nhưng đơn vị sử dụng lao động đã không thực hiện theo quy định của pháp luật vẫn diễn ra…

Việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra. Việc lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp trốn đóng,nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Hình sự sửa đổi. Từ đầu năm 2018 đến nay cơ quan BHXH đã chuyển 23 hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan điều tra, xử lý, nhưng đến nay chưa xem xét xử lý doanh nghiệp nào.

Giải pháp - tháo gỡ

Để hạn chế và khắc phục tình trạng nợ đóng BHXH hiện nay, ngành BHXH tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ công tác thu, xử lý thu hồi giảm nợ đọng, ông Vũ Nguyên Hiệp - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Trước hết, chúng tôi phân công cán bộ chuyên trách thường xuyên kiểm tra, đối chiếu đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật BHXH; hàng tháng thông báo kịp thời tiến độ thu nộp BHXH của đơn vị để chủ sử dụng lao động nắm rõ tình hình và có kế hoạch trong việc đóng nộp đúng quy định.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp các ban, sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường phối hợp với các ban, sở, ngành đơn vị có liên quan để thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, kiên quyết xử lý các vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài thì rà soát, xác định rõ tình trạng của doanh nghiệp và hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng lộ trình trả nợ cụ thể để giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động…

Tiếp tục cung cấp hồ sơ các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN thời gian kéo dài cho Công an tỉnh để thực hiện việc truy tố theo Điều 214 "Tội gian lận BHXH, BHTN", Điều 215 "Tội gian lận BHYT" theo Bộ luật Hình sự.

Cùng với các giải pháp nêu trên được BHXH tỉnh đề ra, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đồng tình và ủng hộ giải pháp đủ và cần tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHXH để tạo sức răn đe đối với doanh nghiệp; tăng tỷ lệ tiền phạt lãi chậm đóng BHXH cao hơn mức lãi suất vay ngân hàng để hạn chế việc doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Về phía các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần tăng cường sự phối hợp triển khai kiểm tra đánh giá chính xác, toàn diện những khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, từ đó đưa ra những giải pháp để tháo gỡ cùng doanh nghiệp.

Tin tưởng rằng, với những giải pháp tích cực trên, đồng thời với việc hoàn thiện Luật BHXH sửa đổi, thời gian tới sẽ khắc phục được tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, góp phần thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật và đảm bảo an sinh xã hội.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Hệ thống KRX sẽ là bước tiến cho quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Hệ thống KRX sẽ là bước tiến cho quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, hệ thống KRX đi vào vận hành sẽ là bước tiến cho quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025.