Bảo Lạc - Cao Bằng: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa

Địa phương
03:44 PM 09/09/2023

Bảo Lạc là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng cao. Cùng với đó là nhiều lễ hội truyền thống và các làn điệu dân ca, dân vũ; các nghề thủ công truyền thống vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn… là tiền đề cho việc phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện.

Nhiều lợi thế mà thiên nhiên ban tặng

Trong những năm qua, phát triển du lịch - dịch vụ trở thành cơ cấu kinh tế quan trọng của huyện góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Huyện Bảo Lạc có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển, khai thác các loại hình dịch vụ - du lịch như du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm; du lịch mạo hiểm; du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng.

photo-1694245052321

Cánh đồng lúa đẹp nên thơ thuộc xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc

Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường); Di tích lịch sử Trông Nhìa Hậu (xã Hồng An); Chùa Vân An, Miếu Quan Đế (Thị trấn)… Huyện Bảo Lạc được thiên nhiên ưu đãi có nhiều cảnh quan, danh thắng như núi Phia Dạ (xã Sơn Lập); Dốc 15 tầng Khau Cốc Chà, Hồ Thôm Lốm (xã Xuân Trường); Hồ thủy điện xã Bảo Toàn; có mạng lưới hang động lớn, nhỏ trong lòng các dãy núi như: Lũng Nà, (xã Thượng Hà), Lũng Rì (xã Khánh Xuân)…

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết đến năm 2025, huyện phát triển hạ tầng dịch vụ - du lịch trở thành cơ cấu kinh tế quan trọng của huyện góp phần thức đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng dịch vụ - du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc của huyện. Đồng thời, phát triển du lịch Bảo Lạc trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ nghiêm ngặt các giá trị cảnh quan, tài nguyên và văn hóa; phát triển dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập xã hội của huyện.

photo-1694245053738

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc

Để phát triển du lịch bền vững là việc tuyên truyền cho bà con nhân dân các dân tộc bảo tồn các không gian văn hóa làng bản truyền thống, giữ nguyên cảnh quan, kiến trúc như: nhà sàn; các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc; Các nghi lễ truyền thống, nghề thủ công truyền thống và các trò chơi dân gian…để thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm một số hoạt động của người dân bản địa.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ thêm, song song với việc phát triển du lịch bền vững là việc bảo tồn văn hóa phi vật thể. Việc bảo tồn này, huyện sử dụng các nguồn xã hội hóa mở lớp hát then, đàn tính cho các em có độ tuổi từ 9 đến 15 tuổi và mở các lớp truyền dạy tiếng cũng như nghề truyền thống của dân tộc Lô Lô (tại xóm Khuổi Khon xã Kim Cúc) như đan lát, thêu dệt thổ cẩm, bước đầu đã hình thành và tạo ra các sản phẩm phục vụ cho du lịch như: quần, áo, mũ, túi đựng điện thoại, vỏ gối; đồ dùng sinh hoạt, nón đội đầu của dân tộc Lô Lô; bản dân tộc Sán Chỉ xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà… giữ nguyên cảnh quan, kiến trúc như nhà sàn; các nghi lễ truyền thống; nghề thủ công truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc; các trò chơi dân gian…

Huyện cũng tiếp tục bảo tồn và khôi phục các lễ hội truyền thống của địa phương: Lễ hội Lồng tồng, chợ tình Phong lưu (Háng Toán); Lễ mừng cơm mới, lễ cầu mưa, lễ cúng rừng của dân tộc Lô Lô; Lễ cấp sắc của dân tộc Dao Đỏ, Sán Chỉ; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông…

photo-1694245054401

Núi Phia Dạ hùng vĩ với cảnh quan đẹp, bắt mắt

Đẩy mạnh phát triển nhiều loại hình du lịch thu hút du khách

Huyện Bảo Lạc tập trung chú trọng phát triển các loại hình du lịch như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Du khách sẽ được trải nghiệm đi du thuyền trên dòng sông Gâm qua biên giới tại Thiêng Qua (xã Cô Ba); du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc); du lịch trên Hồ Thôm Lốm, du lịch khám phá dốc 15 tầng Cốc Trà (xã Xuân Trường)…và các điểm di tích văn hóa – lịch sử trên địa bàn huyện.

Ngoài ra huyện còn đẩy mạnh phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch mạo hiểm bằng việc đầu tư đường giao thông từ Trung tâm huyện đến điểm du lịch Thiêng Qua; (Mốc 589) xã Cô Ba. Phát triển sản phẩm mạo hiểm chèo thuyền trên sông Gâm thông qua khảo sát tuyến du lịch chèo thuyền trên sông Gâm; đưa các dịch vụ vào hoạt động tại khu bán hàng lưu niệm của điểm du lịch Thiêng Qua.

Phát triển du lịch ngắm cảnh, du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch lịch sử tâm linh tại xã Xuân Trường, Kim Cúc. Du khách sẽ được trải nghiệm nhiều dịch vụ ăn nghỉ tại chỗ, tìm hiểu về đời sống thường ngày của người dân trên địa bàn. Hay được đạp xe khám phá các địa điểm thú vị, check – in trên những khung cảnh "xịn xò".

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, địa phương mong muốn phát triển Thị trấn Bảo Lạc thành trung tâm dịch vụ - du lịch của huyện để Thị trấn trở thành địa điểm tham quan cho du khách. Cùng với đó là việc tổ chức phiên chợ đêm cuối tuần vào tối thứ 7 hàng tuần và xây dựng Phố ẩm thực cuối tuần tại trung tâm Thị trấn Bảo Lạc để quảng bá và phát triển các dịch vụ sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của địa phương thu hút khách du lịch.

Huyện cũng sẽ hỗ trợ và liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang làm các mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thị trấn để du khách đến tham quan như mô hình trồng rau (TDP 7); mô hình trồng cây hà thủ ô, mô hình trồng dưa lê (xóm Nà Chùa); mô hình trồng dưa lưới (TDP4)…

Ngoài ra còn trùng tu, tôn tạo và chỉnh trang Dinh thự cổ dòng họ Nông để trở thành địa điểm trưng bày (bảo tàng mini), bảo tồn, bảo tàng các di tích lịch sử, khảo cổ, giá trị văn hóa các dân tộc của địa phương nhằm đón khách du lịch đến tham quan. Xây dựng phương án tu bổ, tôn tạo chùa Vân An, miếu Quan Đế để phát triển loại hình du lịch tâm linh gắn với Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại địa phương.

photo-1694245055076

Dinh thự cổ dòng họ Nông được trùng tu để trở thành bảo tàng thu nhỏ

Hình thành điểm bán hàng các sản phẩm nông sản đặc thù (như gạo nếp thơm, hoàng tinh, hà thủ ô, mận máu, lê…) và các sản phẩm du lịch; hình thành điểm giới thiệu sản phẩm phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại Trung tâm thị trấn.

Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng, mở rộng các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, các dịch vụ ăn uống… theo hướng đảm bảo tiện nghi nhưng vẫn mang phong cách truyền thống dân tộc. Trang trí các không gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và sưu tầm các món ăn truyền thống đặc sắc bản địa để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí; thúc đẩy phát triển phát triển các dịch vụ như: tennis, cầu lông, bể bơi, CLB luyện tập thể hình, CLB thẩm mỹ… Tổ chức các sự kiện thể thao để thu hút khách du lịch cùng tham gia trải nghiệm như Ngày chạy Olympic v sức khỏe toàn dân; đua xe đạp địa hình… Tổ chức các giải đấu thể thao như tennis, bóng chuyền, cầu lông, chạy việt dã…

"Để có thể nâng cao được chất lượng dịch vụ và phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn, huyện tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với việc ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoặc các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động địa phương tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức tại huyện.

Huyện cũng sẽ đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư để nâng cao hơn nữa các sản phẩm du lịch, mang lại những trải nghiệm thoải mái cho du khách, đồng thời, kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch tại các thị trường có tiềm năng. Lồng ghép chương trình xúc tiến đầu tư của huyện với chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương. Để phát triển được toàn diện cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ một cách đồng bộ, nhất quán của các ban ngành", đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Việt Dũng
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.