Báo lỗ, nợ đầm đìa, Tổng công ty Sông Đà có đủ sức làm cao tốc Bắc – Nam?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:38 PM 09/06/2020

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của Tổng công ty Sông Đà cho thấy, nợ phải trả đang ở mức trên 20 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu, tương đương chiếm 72% tổng nguồn vốn doanh nghiệp.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng không nên chỉ định thầu doanh nghiệp Nhà nước làm một số đoạn cao tốc Bắc Nam, nhất là khi đơn vị đó đang yếu về năng lực tài chính.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trình Thủ tướng và đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty.

Mặc dù từng thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, vậy nhưng với tình hình hiện tại khi Tổng công ty Sông Đà đang gánh một khối nợ khổng lồ đặt ra không ít lo ngại.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của Tổng công ty này cho thấy, nợ phải trả đang ở mức trên 20 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu, tương đương chiếm 72% tổng nguồn vốn doanh nghiệp.

Trong đó vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm hơn 12.690 tỷ đồng. Trong đó có khoản vay trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng.

Còn tại báo cáo riêng, nợ phải trả của Tổng công ty tính đến hết quý 1/2020 là 10.581 tỷ đồng.

Được biết, tháng 12/2017, TCT Sông Đà đã ký hợp đồng đặt mua trái phiếu không chuyển đổi với 3 ngân hàng: BIDV, TPBank và Bảo Việt Bank để tái cơ cấu các khoản nợ với tổng mệnh giá trái phiếu là 1.160 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm.

TCT Sông Đà đã sử dụng cổ phiếu đang nắm giữ gồm SJD, SD5, SD6, SD9, SDT, SD2, SD3, SD4, SJS, SDC, VPC, MPC và MEC làm tải sản đảm bảo cho khoản vay này.

Riêng Tổng công ty mẹ, khoản nợ vay tài chính ngắn và dài hạn là gần 5.000 tỷ đồng. Thuyết minh chi tiết vào cuối năm 2019 cho biết, chủ nợ của TCT mẹ bao gồm ADB (2.321 tỷ đồng), BIDV, TPBank và Bảo Việt Bank.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2019 của Tổng công ty Sông Đà

Vay nợ cao cũng là nguyên nhân khiến TCT Sông Đà báo lỗ trong quý đầu năm 2020.

Cụ thể, trong quý 1/2020, trong khi doanh thu thuần hợp nhất đưa về đạt 1.283 tỷ đồng, giảm 6%, lợi nhuận gộp còn 243 tỷ đồng thì chi phí tài chính ngốn tới 189,7 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 186,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp trên 102 tỷ đồng và việc lỗ từ hoạt động khác gần 10 tỷ đồng khiến TCT Sông Đà lỗ hơn 14,4 tỷ đồng trong quý vừa qua. Cùng kỳ năm ngoái, TCT vẫn lãi hơn 36,5 tỷ đồng.

Được biết, dự kiến kế hoạch năm 2020 của Tổng công ty là 8.600 tỷ đồng tổng doanh thu và 450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trước đó, năm 2019, kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ cũng không đạt kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 40%.

Trong báo cáo thường niên, Ban lãnh đạo TCT Sông Đà cũng cho biết, các dự án do Chính phủ, các tập đoàn kinh tế và các nhà đầu tư lớn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho xây dựng, thời gian thi công kéo dài trong khi việc nghiệm thu, quyết toán bàn giao được thực hiện từng phần với tiến độ chậm.

"Thực tế ở Việt Nam, việc giải ngân vốn của các dự án xây dựng thường chậm. Điều đó góp phần làm chậm tiến độ giải ngân và thanh quyết toán của các công trình và làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Tổng công ty", ban lãnh đạo TCT Sông Đà cho biết.

Theo kế hoạch trong năm nay, TCT Sông Đà sẽ tiếp tục đề xuất với các cơ quan quản lý để được hưởng các ưu đãi thuộc gói hỗ trợ của Chính phủ bao gồm giảm thuế, giãn chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội, đề xuất vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ…

Tổng công ty Sông Đà vốn là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng được thành lập ngày 1/6/1961 với tên gọi ban đầu là Ban chỉ huy Công trường Thuỷ điện Thác Bà, sau đổi thành Công ty Xây dựng thuỷ điện Thác Bà.

Đến 24/10/2012, Bộ trưởng Xây dựng đã ban hành Quyết định số 937 thành lập Tổng công ty Sông Đà trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên của Tổng công ty Sông Đà trước đây.

Đến tháng 7/2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định về giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà. Theo đó, giá trị thực tế doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà thời điểm đầu năm 2015 là 18,5 nghìn tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.