Bão số 9 quét qua Quảng Nam-Quảng Ngãi, thiệt hại rất nặng nề
Khoảng 12h00 ngày 28/10, bão số 9 đã đi vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, gây thiệt hại về tài sản rất nặng nề.
Theo báo cáo lúc 14h của Ban chỉ đạo tiền phương, thống kê thiệt hại ban đầu do bão số 9 gây ra, đã có 972 nhà bị tốc mái, (Quảng Ngãi: 934 nhà, Bình Định: 02 nhà, Phú Yên: 36 nhà); 31 trụ sở cơ quan và 28 điểm trường bị hư hại, tốc mái (Quảng Ngãi).
“Bão đã làm sập những nhà yếu, tốc mái hầu hết nhà cấp 4 và những công trình có mái lợp; cây cối đổ rất nhiều, thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt ở Quảng Ngãi và một số địa phương”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin tại cuộc họp khẩn trưa 28/10 tại Ban chỉ đạo tiền phương.
Hiện nay bão mới bắt đầu, sẽ tiếp tục vào sâu đất liền trong những giờ tới và lưu lại rất lâu, nên ảnh hưởng của cơn bão là rất lớn. “Nếu chúng ta không quyết liệt ứng phó thì rất nguy hiểm”, Phó thủ tướng cảnh báo và đánh giá cao Ban Chỉ đạo tiền phương cùng các địa phương đã quyết liệt ứng phó với bão số 9, tập trung sơ tán dân, giảm thiểu thiệt hại.
Đưa xe bọc thép cấp cứu người dân
Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 13 giờ 30 phút, ngày 28/10, bão số 9 với cường độ mạnh đã làm 934 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó, thị xã Đức Phổ (300 nhà), huyện Sơn Tịnh (493 nhà), Tư Nghĩa (70 nhà), Trà Bồng (22 nhà), Sơn Tây (16 nhà), Ba Tơ (32 nhà), Sơn Hà (1 nhà). Riêng ở huyện Tư Nghĩa đã có 1 nhà bị sập đổ; 01 trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị đổ.
Bão số 9 cũng làm 31 trụ sở cơ quan và 28 trường học bị tốc mái, hư hỏng. Chợ Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa bị hư hỏng. Mưa bão cũng làm một số ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm.
Để giúp người dân an toàn trong lúc bão số 9 đổ bộ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều xe bọc thép đến khách sạn Sông Trà hỗ trợ đưa một trường hợp đang lưu trú tại khách sạn Sông Trà (thành phố Quảng Ngãi) bị huyết áp cao, đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến 14h chiều nay, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, như bệnh viện đa khoa tỉnh tốc hầu hết mái tôn nhà 8 tầng, gãy đổ toàn bộ cây lớn và nhỏ trong BV, sập một đoạn tường rào…Nhiều trạm y tế xã và bệnh viện đa khoa huyện Sơn Tịnh bị tốc mái, đổ nhiều cây cối, vỡ nhiều cửa kính, nhôm… Riêng Trung tâm y tế huyện Lý Sơn còn bị sập 80m bờ tường, toàn bộ trung tâm dột ẩm ướt...
Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có gió và mưa to, dù đã giảm nhẹ nhiều so với cuối giờ sáng, nước ở các sông đang dâng cao. Trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi mưa lũ làm gãy đổ nhiều cây lớn, gió cũng xé rách nhiều bảng hiệu, pano. Nhiều người dân vẫn tạm thời tránh trú tại các nơi an toàn do tỉnh bố trí.
Thông tin ban đầu từ Ban Tác chiến, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định, hiện Bình Định có 2 tàu cá đang trôi dạt trên biển với 26 thuyền viên; đã có 10 người bị thương, 558 ngôi nhà bị tốc mái...
Kon Tum: Mưa lớn gây trôi cầu sắt, 1.600 người bị chia cắt
Trưa 28/10, ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho biết: Do lượng nước đổ về lớn, đột ngột nên cây cầu sắt bắc qua suối Đăk Pne, nối thôn 2 đến UBND xã đã bị cuốn trôi, chia cắt khoảng 500 hộ dân.
TTXVN cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 28/10. Cây cầu bị cuốn trôi là cầu sắt, đã được người dân trên địa bàn sử dụng từ nhiều năm qua. Do nước trên suối Đăk Pne về nhanh, đột ngột, cầu đã bị ngập khoảng 1m và sau đó bị cuốn trôi. May mắn, vụ việc không gây thiệt hại về người.
Tuy nhiên, khoảng 500 hộ dân với 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Bahnar thuộc ba thôn 2, 3 và 4, xã Đăk Pne đã bị chia cắt.
Ông Lê Đình Phương cho biết, trước tình trạng mưa lớn, nước đổ về nhiều như hiện nay, UBND xã đã huy động lực lượng, thực hiện phương án bốn tại chỗ, cung cấp gạo, mì tôm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con nhân dân. Chờ sau cơm bão số 9, chính quyền địa phương sẽ có phương án xây dựng lại cầu này.
EVN cho biết đã thực hiện cắt điện chủ động tại các tỉnh để bảo đảm an toàn cho thiết bị, con người trong mưa bão. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã mất điện hoàn toàn, tỉnh Bình Định mất điện 93%, Quảng Nam 71%, Phú Yên 55%, thành phố Đà Nẵng mất điện 47% và tỉnh Gia Lai mất điện 20%.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Trà My (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) có gió giật cấp 8; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; các nơi khác ở khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có gió giật cấp 7-8. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-320mm.
Hồi 13 giờ (28/10), vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 12 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong chiều nay, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 7-8, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.
Gió mạnh trên đất liền: Trong chiều nay, ở các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Trong chiều và đêm nay, ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm; từ ngày mai mưa giảm nhanh.
Từ đêm nay đến ngày 31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500mm; Ở Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.
Theo ChinhphuCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.