Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên: 30 năm xây dựng và phát triển
Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên được thành lập ngày 23/12/1991 theo Quyết định số 224/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Thái. Khi mới thành lập đơn vị có tên gọi là Bảo tàng Bắc Thái. Năm 1997, tỉnh Bắc Thái tách thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, Bảo tàng Bắc Thái lấy tên là Bảo tàng Thái Nguyên.
Mặc dù là một thiết chế văn hóa ra đời khá muộn so với các bảo tàng trong toàn quốc, tuy nhiên trong 30 năm qua, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, viên chức của Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một bảo tàng cấp tỉnh. Nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương.
Từ chỗ tiếp nhận quản lý trên 300 tài liệu hiện vật khi mới thành lập, đến nay, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã sưu tầm bổ sung, nhập kho cơ sở với tổng số hiện vật đang lưu giữ tại bảo tàng trên 35 ngàn đơn vị hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập hiện vật khảo cổ, cổ vật tiêu biểu, quý hiếm. Đó là những tài sản quý giá không chỉ đối với tỉnh Thái Nguyên mà còn là tài sản chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là bộ phận của di sản văn hóa nhân loại.
Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã phát huy khá hiệu quả của thiết chế văn hóa quan trọng này đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó nổi bật với các nghiên cứu khoa học như: Năm 2006, đơn vị phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tiến hành nghiên cứu xây dựng Đề cương trưng bày Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Đề cương đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt năm 2007, đây là công trình nghiên cứu công phu, khoa học nhằm phục vụ cho công tác sưu tầm bổ sung hiện vật và xây dựng Bảo tàng tỉnh sau này. Năm 2009, 2010, triển khai thực hiện Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh "Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác, quảng bá giá trị các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên''. Năm 2014, 2015, 2016 triển khai thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh "Điều tra, thăm dò, khai quật khảo cổ học một số hang động ở xã Bình Long và vùng phụ cận huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên". Năm 2017, phối hợp với Viện Khảo cổ học và Trường Đại học Wollongong (Australia) tiến hành khai quật di chỉ Mái đá Ngườm thuộc Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, huyện Võ Nhai...
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã chủ động triển khai nhiều hoạt động xã hội hóa như tiếp nhận hiện vật hiến tặng, tổ chức nhiều cuộc triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần tuyên truyền quảng bá các giá trị di sản văn hóa tới đông đảo công chúng. Năm 2018, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã có những đóng góp không nhỏ vào Dự án bảo tồn tôn tạo di tích lich sử TNXP Đại đội 915, tổ chức sưu tầm tài liệu hiện vật, tổ chức trưng bày tại không gian trưng bày tại Nhà tưởng niệm…
Trong năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời thích ứng, chuyển đổi các nhiệm vụ chuyên môn một cách linh hoạt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tiêu biểu đó là đã tham mưu tổ chức khai mạc Triển lãm bằng hình thức trực tuyến và đăng tải online toàn bộ nội dung, không gian trưng bày trên các trang thông tin điện tử, trang fanpage và các trang mạng xã hội, thu hút 154 lượt chia sẻ, 15.752 lượt xem trên fapage của Sở và Bảo tàng tỉnh…
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật do Trung tâm Unesco Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam hiến tặng chính là minh chứng cho sự thành công của bảo tàng trong năm qua.
Với 320 hiện vật, cổ vật, đây là bộ sưu tập có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm các hiện vật gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc, đời sống và văn hóa thưởng trà của người Việt, với nhiều loại hình đa dạng, phong phú như: Bộ ấm chén trà, hũ đựng trà, thố, bát nhang, ống bút, ống đũa, chân đèn… thuộc các lò gốm nổi tiếng trong nước như gốm Lái Thiêu, gốm Biên Hòa, gốm Sài Gòn; cùng với các cổ vật gốm của Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… có niên đại từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 20 gồm nhiều chất liệu đồ gốm, sứ, đồng, gỗ.
Với những thành tích đạt được trong 30 năm qua, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ... tặng nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen, danh hiệu chiến sỹ thi đua cho tập thể và các cá nhân. Phát huy những thành tích đã đạt được, cán bộ viên chức Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng đơn vị ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là một thiết chế văn hóa của tỉnh Thái Nguyên và trung tâm vùng Việt Bắc.
Quang HưngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.