Bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ - làng Cựu
Sáng 25/11, tại Hội trường Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, UBND huyện Phú Xuyên phối hợp với Trường Đại học Xây dựng tổ chức Tọa đàm “Sức sống mới của làng cổ - làng Cựu trong cuộc sống đương đại”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức từ 17-26/11 tại 17 quận, huyện của thành phố.
Tham dự Tọa đàm, có bà Phạm thị Lan Anh - Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Nguyễn Mạnh Huy - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên; ông Trần Quốc Việt - Phó Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Tọa đàm còn có sự tham dự của Tiến sĩ Mongol Khan - giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Công nghệ Rajamangala Thanyaburi (Thái Lan); PGS. Phạm Hùng Cường - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; TS Lê Quỳnh Chi - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; cùng đông đảo các đại biểu, khách mời trong nước và quốc tế quan tâm tới những vấn đề định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của làng cổ - làng Cựu.
Làng Cựu thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, nằm cách trung tâm Hà Nội gần 50km về phía Nam. Ngôi làng này nằm bên một nhánh nhỏ của dòng sông Nhuệ. Từ một làng thuần nông nghèo những năm đầu thế kỷ 20, người làng Cựu đã phát triển và nổi tiếng trên đất Kinh kỳ với nghề may vào những năm 1930 - 1940. Những người thợ giàu có của làng Cựu "đệ nhất Hà Thành" thời đó đã xây dựng nên một ngôi làng với nhiều công trình mang nét kiến trúc Pháp cổ điển.
Ngôi làng này gần 100 năm trước đã sở hữu nhiều biệt thự tráng lệ, kiến trúc giao thoa giữa truyền thống và ảnh hưởng kiến trúc châu Âu, đặc biệt là kiến trúc Pháp. Hiện nay, làng Cựu vẫn còn giữ nguyên được nhiều ngôi nhà có giá trị kiến trúc, các công trình tín ngưỡng và không gian công cộng như đình làng, sân đình, giếng làng,… là đặc trưng kiến trúc của vùng Đồng bằng sông Hồng.
So với những ngôi làng cổ quanh Hà Nội,... làng Cựu dù có nhiều nét kiến trúc đặc biệt, giao thoa một cách hài hòa giữa hai phong cách châu Âu và châu Á, nhưng lại chưa được chú ý nhiều về khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chính vì thế, để "đánh thức di sản", các đại biểu trong nước và quốc tế đã thực hiện Tọa đàm, nhằm thảo luận và đưa ra các ý kiến đóng góp với nội dung xoay quanh các vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của làng cổ - làng Cựu.
Các ý kiến tại Tọa đàm sẽ góp phần định hướng và đưa ra các giải pháp phát triển du lịch gắn với làng nghề, đồng thời gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của làng Cựu cùng các làng nghề của Phú Xuyên và các vùng lân cận, hướng tới mục tiêu đưa làng Cựu trở thành "một trung tâm sáng tạo của Thủ đô".
Trong khuôn khổ Tọa đàm, Tiến sĩ Mongol Khan - giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Công nghệ Rajamangala Thanyaburi đến từ Thái Lan và ngài Alberto Sebastianelli đến từ Italia đã chia sẻ các kinh nghiệm hồi sinh di sản gắn với sự phát triển của các thành phố sáng tạo; lịch sử và truyền thống làng Cựu - cây cầu dẫn tới tương lai; giới thiệu dự án "Thương hiệu làng Cựu",... nhằm tăng cường cơ hội quảng bá, phát triển nghề may mặc của làng Cựu và thị trường may mặc của Việt Nam tới thị trường Italia cũng như châu Âu.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên - cho biết: Hiện nay, những ngôi nhà cổ tại làng Cựu có lịch sử hàng trăm năm, đang được chính quyền địa phương và các hộ dân phối hợp với các sở, ngành của thành phố đề xuất UBND thành phố cho phép lập phương án trùng tu để bảo tồn các giá trị lịch sử.
Trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ đề xuất và triển khai khôi phục lại thương hiệu may tại làng Cựu nhằm duy trì nghề may, tìm thêm các thị trường xuất khẩu, tạo nên thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh đó, đào tạo và phát triển dòng sản phẩm thời trang để tạo nên thương hiệu mang tên "Làng Cựu", thiết kế và may đều tại làng Cựu, do người dân làng Cựu thực hiện.
Trong khuôn khổ Tọa đàm đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa UBND xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên), Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Công ty TNHH Truyền thông và văn hóa Platform (Italia) với cam kết thực hiện các phương án bảo tồn và phát triển làng Cựu.
Thông qua việc ký kết hợp tác, các bên sẽ cùng chung tay nghiên cứu đề án và các giải pháp phát triển làng nghề may - du lịch tại làng Cựu; đề xuất giải pháp phát triển làng Cựu, kết nối với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan để triển khai các dự án; phối hợp, kết nối với các doanh nghiệp thời trang, công ty du lịch, kêu gọi nguồn vốn đầu tư... nhằm bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ - làng Cựu.
Nguyễn HạnhTheo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.