Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống trong chuyển đổi số
Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam".
Tham dự chương trình có các đại biểu: Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch Viện, ông Lưu Đình Anh - Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM, ông Trần Văn Cứ - thành viên Hội đồng Viện, ông TS Phạm Trí Thành - Trưởng Ban Điều hành Đề án M12; Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi D&B, ông Trần Minh Hưng - Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Dân ca và Bolero Việt Nam, ông NS Đỗ Hữu Vị - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ; Phó Ban Chỉ đạo, Phó Ban Tổ chức cuộc thi Dân ca và Bolero Việt Nam 2023... cùng các khách mời của hội thảo.
Chuyển đổi số trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là cần thiết, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Đồng thời góp phần tôn vinh, phát huy, lan tỏa nghệ thuật truyền thống, đề xuất những ứng dụng công nghệ mới, phương tiện truyền thông mới đến lĩnh vực trình diễn nghệ thuật cũng như lan tỏa văn hóa nghệ thuật của người dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM cho hay: Sau đại dịch, việc chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực phát triển rất nhanh, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0 là cần thiết. Trong đó sẽ giải đáp được những thắc mắc như: Bảo tồn như thế nào? Phát triển ra sao? Bên cạnh đó, cần đưa các cuộc thi về nghệ thuật truyền thống như dân ca, bolero vào để thu hút giới trẻ. Đề án phải làm rõ được tầm quan trọng của việc đưa công nghệ số vào văn hóa nghệ thuật truyền thống, có nghiên cứu biện chứng, nhìn nhận vấn đề có sự tổng thể, toàn diện".
Ông Tuấn khẳng định ứng dụng công nghệ số vào nghệ thuật truyền thống phải đi vào những kiến thức cụ thể, như có các app (ứng dụng trên điện thoại) để bổ trợ, hỗ trợ ca sĩ, người yêu âm nhạc có thêm kiến thức về ngành, rồi việc lưu giữ các bài hát của cha ông. Phải biến tất cả những làn điệu, kiến thức thành dữ liệu số để lưu truyền cho các thế hệ sau.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh - Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: Sự phát triển mạnh mẽ của Internet cùng với sự ra đời các nền tảng phát trực tuyến trên mạng xã hội: Spotify, Instagram, YouTube, Twitter, TikTok Facebook... đã đặt ra cho ngành công nghiệp âm nhạc nhiều thách thức. Vì vậy, sự phát triển của công nghệ số sẽ tạo cho nghệ thuật nhiều cơ hội và thách thức mới.
Còn NSND Thanh Ngoan – nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: Cùng với sự phát triển về công nghệ thông tin hiện nay, việc chuyển đổi số với nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo riêng là vô cùng quan trọng. Từ trước đến nay việc gìn giữ các tư liệu văn hóa nghệ thuật chưa được chú trọng, tình trạng bị thất thoát, mai một vốn văn hóa cổ truyền vẫn xảy ra. Khi áp dụng công nghệ số, việc lưu giữ sẽ được an toàn, không bị thất thoát.
Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cũng gồm cả việc truyền thông ở trong nước và quốc tế, làm cho người trẻ yêu hơn văn hóa nghệ thuật. Như đưa các đề án về các trường học sẽ làm các em yêu và trân trọng hơn di sản văn hóa của cha ông để lại. Với công nghệ số, khán giả có thể nghe đi nghe lại những bài hát, làn điệu để tìm hiểu chuyên sâu về âm nhạc, đồng thời, việc lưu giữ không bị quá tải.
Theo PGS.TS. Phạm Duy Khuê, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), nhiều năm trước Cách mạng tháng Tám (1945), việc bảo tồn và phát huy dân ca vẫn thuộc về dân gian, theo cách truyền thống mà hiện thân là các lễ hội. Năm 1943, Đề cương Văn hoá Việt Nam ra đời, hoạt động văn hoá, văn nghệ có định hướng rõ rệt. Ngày nay với sự hiện hữu của công nghệ 4.0, những làn điệu dân ca, nhạc phẩm phát triển từ dân ca được biểu diễn, số hóa và sử dụng công nghệ VR đưa vào lưu trữ và dễ dàng truyền tải thông điệp và giá trị của di sản qua lăng kính của thị giác.
Cũng tại hội thảo, TS. Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường (Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) nhấn mạnh, để thực hiện được lâu dài, có hiệu quả công việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống trong thời kỳ hội nhập toàn cầu cần có một cuộc cách mạng để đưa công nghệ thông tin đến với những người đang làm việc trong ngành sân khấu truyền thống, V-shop cá nhân. Theo dõi thước phim băng hình, văn bản nhất là diễn viên trẻ. Công nghệ thông tin ứng dụng sẽ tạo nên những hiệu quả mới trong sự sáng tạo nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật sân khấu truyền thống; trong quá trình giao lưu văn hoá, hội nhập toàn cầu.
Tại buổi hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam còn có nhiều ý kiến khác nhưng tựu chung đều cho rằng Hội thảo này rất giá trị, phát tín hiệu cho tất cả mọi người thấy được tầm quan trọng của bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.