Bảo tồn và phát triển làng nghề mây tre đan Phú Vinh gắn với xây dựng sản phẩm OCOP
Làng nghề sản xuất mây tre đan thuộc thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ là một trong những làng nghề truyền thống của Hà Nội. Những năm qua, với việc tham gia chương trình OCOP đã khuyến khích các cơ sở sản xuất ở Phú Vinh đầu tư có chiều sâu vào chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và vươn rộng đến thị trường quốc tế.
Đẩy mạnh triển khai sản phẩm OCOP tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2002, nhưng nghề mây tre đan của Phú Vinh đã được biết đến gần 400 năm nay. Mỗi sản phẩm mây tre đan là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo, công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo.
Muốn có một tác phẩm như ý, trước tiên người thợ làng Phú Vinh phải hiểu rõ thứ nguyên liệu mà mình định làm như cây tre, nứa, vầu, trúc... và nhiều loại tre bương khác. Cây tre là loại cây mọc thẳng, có độ cứng cao, khô thì giòn, đặc biệt tre có chứa chất đường nên dễ bị mọt ăn nên khi sử dụng vào việc đan phải xử lý chống mọt.
Các công đoạn sản xuất mây tre đan của làng rất cầu kỳ, bao gồm chọn nguyên liệu rồi tuốt, phơi, chẻ nan, sấy… Sau đó, nguyên liệu sẽ được luộc trong nước sôi hoặc sấy khói rơm để có màu đẹp tự nhiên, cuối cùng mới đến tay người thợ đan thành sản phẩm.
Đến với làng nghề Phú Vinh, chứng kiến quy trình sản xuất hàng thủ công mây tre đan mới thấy hết sự đa dạng trong kiểu dáng và mẫu mã. Những sản phẩm mây, tre đan với đủ màu sắc được tạo ra dưới những đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân. Từ những cây mây, nan tre, các nghệ nhân đã thổi hồn vào chúng, tạo ra những sản phẩm tinh xảo làm mê đắm lòng người. Không chỉ làm ra những vật dụng gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê như khay, đĩa, rổ, rá, dần sàng, túi xách, cơi trầu…, mà các nghệ nhân còn nhận làm những sản phẩm nội thất, đồ trang trí rất hấp dẫn như bàn ghế, bình hoa, chao đèn, khung ảnh…
Điểm khác biệt của sản phẩm mây tre đan Phú Vinh là mây tre đan nổi tiếng bởi vì các yếu tố như chất liệu, kỹ thuật. Với khả năng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã tạo ra hàng trăm cách đan khác nhau như đan xương cá, kết hình hoa và kết màu sắc, tạo hình hoa văn nổi trên nhiều mẫu sản phẩm tinh xảo… có tính thẩm mỹ cao và tạo nên sự khác biệt của sản phẩm mây tre đan Phú Vinh.
Theo nhiều chủ của hàng, các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh không chỉ bền mà còn đẹp, chất lượng không thua kém gì các sản phẩm cùng kiểu dáng làm từ các chất liệu khác. Do vậy, nhiều khách hàng rất thích sử dụng các loại vật dụng làm từ chất liệu này… Chính vì vậy, sản phẩm của Phú Vinh không chỉ có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây còn là địa điểm du lịch được nhiều du khách tìm đến.
Từ năm 2007, Câu lạc bộ Nghệ nhân Phú Vinh ra đời, tập hợp nhiều thợ giỏi để gìn giữ và phát triển nghề, thiết kế gần 60 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã có 52 sản phẩm được công nhận 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Hiện cơ sở sản xuất mây tre đan của nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hạnh, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh mỗi cơ sở có 10 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao; Công ty TNHH mây tre đan Việt Quang đã có hơn 20 sản phẩm được thành phố Hà Nội chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao như: Bộ đèn đan vảy rồng, bát bộ ba, khay để hoa quả...; Hay doanh nghiệp Hoa Sơn của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, Hội trưởng Hội doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ từng chia sẻ, với tiềm năng, thế mạnh phát triển nghề mây tre giang đan, Chương Mỹ có điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình OCOP. Vì vậy, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề đã không ngừng sáng tạo mẫu mã sản phẩm OCOP từ mây tre giang để tạo ra các sản phẩm thủ công đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Hiện tại, sản phẩm OCOP mây tre đan Phú Vinh đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được yêu thích, đánh giá cao. Trong đó có nhiều sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao như: Bộ đèn đan vảy rồng, bát bộ ba, khay để hoa quả...
Việc các hộ sản xuất tham gia vào chương trình OCOP không những góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề mà còn đẩy mạnh tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng.
Phát triển bền vững làng nghề mây tre đan Phú Vinh
Hiện nay ở Phú Vinh có tới 98% hộ dân làm nghề chuyên nghiệp trên tổng số 2.200 hộ. Sản phẩm của làng đa dạng từ các vật dụng trang trí nhỏ lẻ như miếng lót cốc, bát, đĩa…; tới các vật dụng mang tính ứng dụng cao trong đời sống như giường, tủ, ghế, lồng đèn…; hay thậm chí là các sản phẩm mang tính nghệ thuật như tranh, túi xách làm từ mây, tre… Bình quân mỗi năm làng nghề Phú Vinh sản xuất đạt lợi nhuận từ 100-200 tỷ đồng, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho đa số dân cư ở địa phương. Đặc biệt, nghề đan mây tre còn giúp duy trì và phát triển nền văn hóa truyền thống của người Việt, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của địa phương.
Trong những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường đặc biệt là nhu cầu của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp làng nghề của Phú Vinh đã bắt đầu hướng đến sản xuất những dòng sản phẩm chuyên biệt. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề đã vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Thị trường xuất khẩu mây tre đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều, được xếp vào nhóm các hàng hoá xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay.
Để việc sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp trong các làng nghề đã thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ vào thiết kế, sản xuất sản phẩm. Việc cải tiến kỹ thuật trong các làng nghề giúp các sản phẩm tạo được dấu ấn trên thị trường, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu khách hàng, mang đậm giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam, đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo ra thị trường mới, nâng cao uy tín của làng nghề.
Ông Nguyễn Đình Hoa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ từng nhấn mạnh, những năm vừa qua, Chương Mỹ đã đẩy mạnh triển khai sản phẩm OCOP tại các làng nghề mây tre đan xã Phú Nghĩa, phấn đấu được thành phố công nhận đạt OCOP; thường xuyên tuyên truyền người dân tham gia các lớp tập huấn xây dựng sản phẩm OCOP; khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm OCOP, thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá Chương trình OCOP để tìm đầu ra cho sản phẩm…
Văn phòng nông thôn mới Hà Nội đồng hành cùng bài viết này!
Ngô HuyTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.