Bảo vệ thương hiệu nông sản Việt: Đâu là giải pháp?

Kinh doanh
12:33 PM 09/04/2023

Thời gian qua, nhiều loại nông sản sản xuất trong nước đã bị các thương lái “gắn mác” thành sản phẩm nhập khẩu hoặc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch khiến nông sản Việt Nam bị mất thương hiệu ngay trên sân nhà. Do đó, để tạo "sân chơi" cho các sản phẩm nông sản Việt Nam cần xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đưa nông sản Việt vươn ra, khẳng định vị thế ngay trên sân nhà và thị trường quốc tế.

"Gắn mác" thương hiệu để kiếm lời

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, thời gian qua, nhiều loại hoa quả Việt đã bị các thương lái nhập nhèm vì nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng lại gắn mác hoa quả Việt. Chẳng hạn, các thương lái đã nhập dâu tây Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và gắn mác dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu…, rồi bán với giá chỉ bằng một nửa so với giá thông thường.

"Việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, hợp tác xã sản xuất chân chính, mà còn ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu nông sản của Việt Nam ngay tại thị trường trong nước", Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nói.

Bà Hoàng Thị Hương, chủ cửa hàng thực phẩm sạch ở Khu đô thị Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay, quả thanh trà trồng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bán tại vườn có giá khoảng 120.000 đồng/kg (quả ngọt) và 30.000 đồng/kg (quả chua) nhưng lợi dụng tâm lý "sính ngoại" của người tiêu dùng, thương lái đã mua quả thanh trà loại chua về, rồi gắn nhãn mác của Thái Lan, bán với giá 50.000-70.000 đồng/kg. Trong khi đó, trên thị trường đang bán quả thanh trà nhập khẩu từ Thái Lan với giá hơn 200.000 đồng/kg.

Các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt bị mất thương hiệu ngay tại thị trường trong nước là do việc quản lý thương hiệu còn lỏng lẻo, quy trình sản xuất của hợp tác xã còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều nông sản Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu mạnh được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa quan tâm tới logo, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, nên dễ bị thương lái "nhập nhèm" thương hiệu...

Bảo vệ thương hiệu nông sản Việt: Đâu là giải pháp? - Ảnh 1.

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu góp phần đưa nông sản Việt vươn ra, khẳng định vị thế ngay trên sân nhà và thị trường quốc tế. Nguồn ảnh: Internet.

Đâu là giải pháp để nông sản Việt vươn xa, khẳng định vị thế

Để nông sản Việt vươn xa, khẳng định chất lượng ở thị trường trong nước và xuất khẩu, cần xây dựng và bảo vệ thương hiệu bền vững, các doanh nghiệp, HTX cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm và xu hướng tiêu dùng.

Theo giám đốc HTX Sản xuất bưởi an toàn Quế Dương (huyện Hoài Đức) Nguyễn Như Hảo, các doanh nghiệp, HTX phải cam kết sản xuất theo đúng quy trình, dán tem nhãn đầy đủ. Các ngành chức năng cần hỗ trợ mở các lớp tập huấn về quản lý, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho nông dân tại các vùng trồng gắn với nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững và có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm quy định về nhãn hiệu. 

Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, nông sản Việt muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước và tham gia sân chơi quốc tế cần phải coi trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ. Nhà nước cần tăng cường định hướng doanh nghiệp, HTX xây dựng và quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

"Với yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam trong quá trình sản xuất cần dựa vào khoa học, công nghệ hiện đại", ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, để bảo vệ và phát triển thương hiệu nông sản, các địa phương cần xây dựng và vận hành hệ thống quốc gia về kiểm soát chất lượng nông sản một cách chặt chẽ, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; bảo đảm sản phẩm khi lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế có chất lượng ổn định, có thể truy xuất được nguồn gốc. 

Các địa phương cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế; tham gia các tổ chức, mạng lưới quốc tế để xây dựng và tổ chức triển khai các chiến dịch quảng bá đặc sản địa phương (gắn với chỉ dẫn địa lý) ở quy mô quốc gia.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để bảo vệ và xây dựng thương hiệu bền vững, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để các hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân có ý thức gây dựng, giữ gìn thương hiệu cho đặc sản của địa phương mình.

Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản. Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh hàng hóa, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng...

Quang Lộc (T/h)
Ý kiến của bạn
Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm

Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.