Bất chấp COVID-19, ngân hàng dồn dập báo lãi đậm nhờ lãi suất giảm?

Ngân hàng
09:42 AM 22/02/2021

Năm 2020 là năm khó khăn với nền kinh tế vì ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ngân hàng Việt công bố lãi đậm bất chấp dịch bệnh.

Cụ thể, trong năm 2020, ngân hàng MB ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế đạt 10.688 tỷ đồng và 8.606 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,5% và 6,7% so với năm 2019, vượt 18% kế hoạch đề ra.

Trong năm vừa qua, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của MB đạt 20.278 tỷ đồng, tăng 12,7% và chiếm hơn 74% tổng thu nhập hoạt động. Hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối lần lượt tăng trưởng 12,2% và 21,4%, mang về cho ngân hàng 3.576 tỷ đồng và 786 tỷ đồng lãi thuần.

photo-1613960199018

BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2020 tại MB.

Đặc biệt, mảng chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn tăng trưởng tới gần 49%, đóng góp 951 tỷ đồng lãi thuần cho MB. Ngoài ra, hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng đem về 92,5 tỷ đồng, tăng 18,3%.

Điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của MB năm 2020 là dòng tiền tiết kiệm tiếp tục chảy mạnh, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu, trong đó tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi của khách hàng (CASA) đạt 37% (115.194 tỷ đồng/310.960 tỷ đồng) - nằm trong nhóm cao nhất hệ thống ngân hàng. Trong năm qua, tín dụng của MB tăng 19% so với đầu năm (ngân hàng riêng lẻ tăng 18,8%).

Hay tại Techcombank, dù cả năm 2020 dành đến 2.611 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, gấp 2,8 lần so với năm trước, nhưng Techcombank vẫn báo lãi trước và sau thuế tăng 23%, đạt hơn 15.800 tỷ đồng và 12.582 tỷ đồng. Lãi sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ tăng 22% lên mức 12.325 tỷ đồng.

photo-1613960200236

BCTC tại Techcombank.

Thu nhập lãi thuần (NII) tại Techcombank năm 2020 đạt 18.800 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) đạt 4.200 tỷ đồng, tăng trưởng 28,8% so với năm 2019.

Thu nhập từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào NFI, đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, với khối lượng phát hành trái phiếu là 66.800 tỷ đồng. Năm 2020, Techcombank tiếp tục dẫn đầu thị trường về tỷ lệ CASA ở mức 46,1% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức 3,1%.

Hay tại LienVietPostBank, cả năm 2020 ghi nhận lãi trước và sau thuế tăng 19% và 16%, đạt lần lượt gần 2.427 tỷ đồng và 1.862 tỷ đồng. Như vậy, năm 2020, LPB đã vượt được 43% kế hoạch năm so với con số 1.700 tỷ đồng lãi trước thuế đã đề ra.

photo-1613960200854

BCTC quý IV/2020 tại LienVietPostbank.

Năm 2020, thu nhập lãi thuần của LienVietPostBank đạt 6.720 tỷ đồng, tăng gần 11% và đóng góp hơn 86% vào tổng thu nhập hoạt động chung. Mảng hoạt động dịch vụ lãi gần 627 tỷ đồng, tăng hơn 59%. Mảng chứng khoán kinh doanh và hoạt động kinh doanh khác lần lượt tăng trưởng gấp hơn 8 lần và 5 lần so với năm 2019, đem về cho ngân hàng 33,6 tỷ đồng và 190 tỷ đồng lãi thuần.

Ngân hàng cũng ghi nhận lãi thuần gần 138 tỷ đồng từ mảng chứng khoán đầu tư, trái ngược với con số lỗ thuần gần 54 tỷ đồng của năm trước.

Ngoài ra, ngân hàng ACB, Nam A Bank, ABBank, Vietinbank... đều ghi nhận lãi lớn trong năm 2020.

Lãi suất giảm giúp ngân hàng lãi lớn?

Các chuyên gia nhận định, năm 2020 ngân hàng vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lớn bất chấp dịch bệnh. Một trong những nguyên nhân là lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức cao, hạ không đáng kể dù lãi suất huy động đã giảm rất sâu mà chỉ giảm trong một số nhóm ưu đãi nhỏ, đi kèm điều kiện vay cao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đạt lãi cao năm qua là do tỷ lệ NIM tăng cao khi chi phí đầu vào giảm mạnh, lãi suất cho vay có giảm nhưng chưa theo kịp đà giảm của lãi suất huy động.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 1,5-2%/năm, kéo mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm mạnh. Hiện tại, mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm xuống mức 4%/năm, đối với kỳ hạn 6-13 tháng lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.

Như vậy, sự chênh lệch lãi suất huy động và cho vay lớn phần nào giúp ngân hàng lãi lớn giữa đại dịch.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng đưa ra nhận định, lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất lịch sử, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương ứng nên có thể giảm thêm. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí đi vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Lê Tuấn
Ý kiến của bạn
GDP quý I/2024 tăng 5,66%, cao nhất 4 năm qua GDP quý I/2024 tăng 5,66%, cao nhất 4 năm qua

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.