Bất chấp Covid-19, thế giới đang có nhiều triệu phú USD hơn bao giờ hết
Hơn 5 triệu người đã trở thành triệu phú từ năm 2019 đến năm 2020. Đây là lần đầu tiên toàn cầu có hơn 1% dân số trưởng thành là triệu phú USD.
Trong 17 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hàng triệu người trên thế giới đã rơi vào cảnh khó khăn trầm trọng trong khi cũng có hàng triệu người trở thành triệu phú USD. Điều này khiến khoảng cách giàu nghèo tiếp tục mở rộng.
Theo số liệu từ ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, được công bố vào tháng 6 vừa qua, hơn 5 triệu người đã trở thành triệu phú từ năm 2019 đến năm 2020, bất chấp việc Covid-19 đang làm suy yếu các nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.
Vương quốc Anh đã có thêm 258.000 triệu phú mới, nâng tổng số lên 2,5 triệu người. Theo Vice, đây là lần đầu tiên toàn cầu có hơn 1% dân số trưởng thành là triệu phú USD.
Không những số lượng triệu phú tăng mạnh mà số tỷ phú thế giới cũng tăng đáng kể. Theo danh sách người giàu thường niên lần thứ 35 của Forbes, năm ngoái, cứ mỗi 17 giờ, thế giới lại có thêm 1 tỷ phú USD. So với năm 2019, Forbes đã đưa thêm 660 tỷ phú vào danh sách này.
Trong khi phần lớn thế giới đương đầu với đại dịch, những người giàu có này vẫn kiếm được tiền nhờ bất động sản sẵn có của mình. Trong báo cáo, Credit Suisse cho biết phần lớn sự gia tăng tài sản đều liên quan đến việc bất động sản mà họ sở hữu tăng giá.
Mike Savage, Giáo sư Xã hội học tại Trường Kinh tế London, cho biết: "Mọi người thường cho rằng một doanh nhân có nhiều tiền là dấu hiệu của việc người đó tạo ra sự thay đổi lớn nhưng phần lớn của cải của họ được tích lũy từ bất động sản và cổ phiếu tài chính".
Tin tức về giới siêu giàu đang ngập tràn các phương tiện truyền thông như: "10 người giàu nhất có thể mua vaccine Covid-19 cho toàn thế giới", "Cứ 10 người London lại có 1 người là triệu phú" hay "Jeff Bezos – CEO của Amazon bay lên không gian bằng tên lửa khi thế giới đang đối mặt khủng hoảng".
Tất nhiên, khi đọc những thông tin này, không ít người sẽ đặt ra câu hỏi về bất bình đẳng trong xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay.
Theo Nannette Hechler-Fayd’herbe, giám đốc kinh tê và nghiên cứu toàn cầu tại Credit Suisse, các chính phủ trên khắp thế giới đã nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp và cá nhân trong giai đoạn đại dịch để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo. "Báo cáo của chúng tôi chỉ ra rằng họ đã thực hiện nhiều phương pháp để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế và nguy cơ lạm phát với quy mô toàn cầu", ông cho biết thêm.
Chia sẻ với Vice, Morris Pearl (cựu CEO của Black Rock) nói: "Việc các triệu phú nhiều lên đáng để hoan nghênh nhưng cũng cần có sự cân bằng. Sự xuất hiện của họ đi kèm với lạm phát. Không có gì xấu khi mọi người trở nên giàu hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần chú ý là sự bất bình đẳng. Chúng ta không muốn thấy cảnh ngày càng có nhiều triệu phú hơn nhưng cũng nhiều người vô gia cư hơn bị bỏ lại phía sau".
Pearl là một trong số những triệu phú Mỹ đang kêu gọi chính phủ Mỹ có biện pháp hiệu quả hơn trong việc giảm khoảng cách giàu nghèo. Đồng hành cùng ông là nhà sản xuất phim Abigail Disney và biên kịch phim Norman Lear.
Một giáo sư nhận định: "Có một sự thật đáng buồn là phần lớn giới siêu giàu không quan tâm đến những vấn đề như mọi người. Không ít triệu phú và tỷ phú đã ngừng suy nghĩ về lợi ích công cộng vì họ hoạt động rất hiệu quả trong thời kỳ này, bất chấp việc nhiều người gặp khó khăn".
Nguồn: Vice
Mộc TiênTrước biến động của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp dự báo giá xăng trong nước ngày mai có thể tăng từ 250-300 đồng/lít; còn giá dầu tăng mạnh hơn.