Bất chấp Covid-19, thị trường bán lẻ Việt năm 2020 vẫn tăng trưởng kỷ lục
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, nhưng thị trường bán lẻ trong nước trong năm 2020 vẫn chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước tính đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước, xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 3.996,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 172,8 tỷ USD), tăng 6,8% so với năm trước.
Đáng chú ý là thị trường TP.HCM có mức tăng trưởng đến hai con số. Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa trong năm vừa qua của TP.HCM đạt 759.714 tỉ đồng (tương đương 32,84 tỷ USD), tăng đến 11,9% so với năm trước. Mảng bán lẻ đóng góp đến 62% doanh thu hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng của thành phố.
Như vậy, dù mức tăng trưởng không bằng mức tăng của năm trước nhưng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã "phình to" thêm hơn 11 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay trong một năm tính về doanh thu thị trường bán lẻ Việt Nam.
Kết quả tăng trưởng ấn tượng này được giới quan sát và các chuyên gia khá bất ngờ bởi nhiều tháng qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu khiến nhiều doanh nghiệp thương mại, chủ cửa hàng rơi vào khó khăn dẫn đến phải đóng cửa, hoặc chờ giải thể.
Trên thực tế thị trường bán lẻ Việt Nam trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 của 5 năm trước đó luôn có mức tăng trưởng hai con số. Cụ thể từ năm 2019 trở về trước, thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam cho thấy có tốc độ tăng trên 10% và kết quả của năm sau luôn tăng cao hơn năm trước đó.
10 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trở thành thị trường bán lẻ đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ. Báo cáo mới đây của một số công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là năm 2020 đã mở cửa đón sự xuất hiện của khá nhiều thương hiệu bán lẻ đình đám từ nước ngoài, cũng như sự phát triển của một số thương hiệu trong nước bất chấp tình hình dịch bệnh.
Dẫn đầu về quy mô cửa hàng về lĩnh vực bán lẻ phải kể đến những cái tên quen thuộc như Vincom, Miniso, Phamacity, Thế giới di động, Điện máy xanh, Việt Tiến, Blue Exchange, Biti’s, Highland, The Coffee House... Trong đó, đáng chú ý là sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thương hiệu Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh… khi các doanh nghiệp này đồng loạt mở rộng quy mô, số lượng cửa hàng cho các thương hiệu con.
Theo Tổng cục thống kê, trong những tháng đầu năm 2020, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, các hình thức mua sắm trực tuyến phát triển rất mạnh, điều này cũng là 1 lý do giúp cho doanh số của ngành bán lẻ không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn lạc quan, nhưng lo ngại về đại dịch đã thay đổi thói quen sinh hoạt và tiêu dùng.
Có thể thấy, Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi lớn về cách tiêu dùng của người dân, buộc các nhà bán lẻ phải có động thái phù hợp, trong đó, kênh bán hàng online đã được nhiều nhà bán lẻ phát huy hiệu quả.
Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam có sự tham gia của cả nguồn vốn nội và ngoại, đây sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo khi mà doanh nghiệp nội có lợi thế về hiểu biết tiêu dùng của người địa phương và giấy phép trong khi doanh nghiệp ngoại có lợi thế về công nghệ và nguồn vốn. Đây là động lực giúp cho ngành bán lẻ Việt Nam có những bước phát triển quan trọng trong những năm tới.
N. TrươngKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.