Bất động sản công nghiệp: Cơ hội, thách thức và các giải pháp

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam mặc dù còn non trẻ nhưng đã có những bước phát triển tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng chống dịch tốt của Việt Nam và xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực… Mặt khác, hiệp định EVFTA có hiệu lực đã thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam… thúc đẩy mạnh thị trường bất động sản công nghiệp phát triển. Tuy nhiên để duy trì các lợi thế trên và biến các cơ hội thành hiện thực cần gấp rút thực hiện các giải pháp cơ bản sau.

photo-1611739289587

Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông

Hiện nay việc thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải tập trung để khắc phục trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia đánh giá hiện nay các dự án, công trình giao thông khởi công mới trong thời gian qua là ít so với yêu cầu phát triển. Việc hoàn thành mục tiêu 2.000 km đường bộ cao tốc đang chậm so với mục tiêu đề ra (Theo Nghị quyết 13 của BCH T.Ư Đảng ban hành ngày 16/1/2012). Phát triển đường sắt còn chưa được quan tâm bố trí vốn, các dự án đường sắt đô thị triển khai chậm. Nhiều dự án hạ tầng giao thông còn chậm tiến độ. Đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy, thiếu các cảng biển, cảng đường sông hiện đại. Nguyên nhân của các bất cập trên trước tiên có thể kể đến là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập chưa được kịp sửa đổi (Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đường sắt, Luật Hàng không, Luật Quy hoạch…).

Nhiệm vụ của giai đoạn tới, đó là phải hoàn thành hệ thống đường cao tốc; nâng cấp, mở rộng đầu tư hệ thống cảng hàng không, đặc biệt là đầu tư nâng cấp các cảng hàng không lớn, hệ thống cảng biển, đường thuỷ nội địa, hệ thống đường sắt quốc gia; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Cùng với đó, tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án giao thông đô thị, đường vành đai, các bãi đỗ xe…

Để đạt được những mục tiêu trên, cần tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

photo-1611739290983

Đầu tư đúng mức cho hạ tầng logistics

Ngành logistics Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, dù hạ tầng logistics ở Việt Nam đã hình thành, nhưng còn manh mún và chưa có một quy hoạch đồng bộ, chi phí vận chuyển logistics của Việt Nam tính theo tỷ trọng GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu. Ngoài ra hiện nay lượng hàng hóa sản xuất, lưu trữ trong nước cũng như lượng hàng hóa xuất khẩu khá lớn đòi hỏi cần có hạ tầng đủ lớn và hiện đại để xử lý được các nguồn hàng hóa mà không gây ách tắc, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Về thực trạng hạ tầng logistics, các chuyên gia nhận định, hiện có rất nhiều tiềm năng phát triển, bởi các doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng thị phần. Hạ tầng logistics phục vụ cho lưu chuyển, lưu thông, đồng thời phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu cao nên đây là một cơ hội lớn đối với ngành logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận chuyển ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với nhà kho để lưu trữ hàng hóa. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với phát triển hạ tầng logistics, bởi nhu cầu kho bãi lớn (đặc biệt xây dựng ở vị trí thuận lợi, có kết nối hạ tầng tốt, thuận lợi đi vào các thành phố trung tâm, cảng biển) và các nhà đầu tư nhìn thấy những tiềm năng, đang và sẽ đầu tư mạnh mẽ vào thị phần này

Để tận dụng được thời cơ này trước tiên chúng ta cần phát triển đồng bộ hệ thống trung tâm logistics mang tính quốc gia. Bổ sung nguồn cung bất động sản logisctics. Nhà nước cần có các chính sách để kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics như ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp...; Tăng cường thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ, có các chương trình, kế hoạch cụ thể để chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics. Xây dựng mạng lưới doanh nghiệp logistics gắn với thương mại điện tử. Phát triển các giải pháp công nghệ mới nhằm sử dụng nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm môi trường.

photo-1611739291788

Đột phá thu hút đầu tư nước ngoài

Ngay sau khi Nghị quyết 02 của Chính phủ "Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021" được ban hành, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có chuyển biến lớn, tạo ra làn sóng lạc quan từ những ngày đầu năm 2021. Để duy trì và đón làn sóng đầu tư trong các năm tiếp theo cần:

Tận dụng những tác động từ chủ trương, chính sách mới, Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ 1.1.2021 đã tạo ra "độ mở" lớn để "dọn tổ đón đại bàng". Cụ thể, Luật Đầu tư 2020 có những thay đổi đáng chú ý về các chính sách ưu đãi đầu tư, được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho các nhà đầu tư tiềm năng. So với quy định cũ, Luật Đầu tư 2020 bổ sung những ngành nghề ưu đãi đầu tư mới như sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, giáo dục đại học, sản xuất trang thiết bị y tế, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Với việc bổ sung này, các ngành nghề ưu đãi đầu tư đã được cập nhật phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, các chính sách mới của Luật Đầu tư 2020 về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư được điều chỉnh theo hướng tập trung hơn về các lĩnh vực công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số…

Chú trọng xây dựng nền kinh tế số, doanh nghiệp số và xã hội số để thu hút FDI theo hướng chọn lọc có căn cứ khoa học, không những coi trọng quy mô, mà quan trọng hơn là chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Quan tâm đến việc thu hút đầu tư của các "ông lớn" như các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Intel, Apple đang chuẩn bị thực hiện nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam thì "ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, chúng ta cần quan tâm đến các yêu cầu của họ như: thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Bảo đảm quyền sơ hữu trí tuệ, chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả; Thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

Tóm lại để thị trường bất động sản công nghiệp phát triển bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng trên. Ngoài ra cần chú ý tới việc Gỡ "nút thắt" về giải ngân vốn, tiếp tục khống chế tốt dịch COVID-19, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quản lý Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế bên cạnh đó là khẩn trương rà soát, hoàn thành các quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển, càng hàng không, sân bay, đường thuỷ nội địa, trung tâm Logistics….

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn