Bất động sản công nghiệp đang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư
Ngày 28/10/2020, tại TP.HCM đã diễn ra diễn đàn "Bất động sản công nghiệp Việt Nam: Đón sóng đầu tư mới". Diễn đàn cho thấy Bất động sản công nghiệp đang trở thành điểm sáng khi sở hữu nhiều lợi thế về vị trí, hạ tầng, các hiệp định thương mại tự do, ưu đãi đầu tư…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Trọng Hiếu - Công ty CBRE Việt Nam cho biết, nguồn cung đất công nghiệp trong quý III/2020 có những dấu hiệu chững lại. Cụ thể, các tỉnh thành phía Bắc như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… nguồn cung đất công nghiệp cho thuê chỉ xấp xỉ khoảng 9.600 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 79%.
Trong khi đó, các tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, nguồn cung đất công nghiệp cũng chỉ giao động khoảng gần 24.000 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 76,7 %.
Đại diện CBRE Việt Nam cho biết thêm, tại miền Bắc, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn trong quý III/2020 có khoảng 2,1 triệu m2, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực Miền Nam, diện tích nhà kho xây sẵn chiếm khoảng 2,7 triệu m2, tăng 28,2% so với năm ngoái; nhà xưởng xây sẵn là khoảng 2,9 triệu m2, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Hiếu nhấn mạnh: "Nguồn cung mới gia tăng mạnh ở các khu vực công nghiệp trọng điểm. Theo đó, giá chào thuê đất và nhà kho trong thời gian qua cũng tăng mạnh. Giá chào thuê đất tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái".
Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính dòng vốn đầu tư chảy mạnh từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và trong nội khối ASEAN được cho là nguyên nhân của hiện tượng tích cực này.
Một đặc trưng hấp dẫn nữa của môi trường đầu tư tại Việt Nam đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 336 khu công nghiệp có tổng diện tích khoảng 97.800ha với cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ kho bãi, logistic… đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để giải quyết thách thức từ hoạt động công nghiệp, các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường. Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động.
Sắp tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, bao gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng, đủ điều kiện đón các nhà đầu tư "đại bàng lớn". Song song đó, có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Đức Duy (t/h)Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố, từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD và nhập khẩu đạt 329,1 tỷ USD.