Bất động sản công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới
Với dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, thị trường bất động sản khu công nghiệp đang có rất nhiều ưu thế trong tương lai.
Theo báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp của Shinhan Securities hiện nay dòng vốn FDI tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định qua các tháng. Tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI có sự cải thiện rõ rệt qua từng tháng. Điều này cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tiếp tục duy trì tích cực, qua đó tạo cơ sở cho triển vọng nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Theo dữ liệu từ Savills, trong 9 tháng năm 2024, FDI vào Việt Nam đạt ngưỡng 24,8 tỷ USD, dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô, chất bán dẫn và công nghệ xanh. Trong đó, sản xuất chiếm khoảng 63% FDI, cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam đã vượt xa lĩnh vực sản xuất chi phí thấp truyền thống. Các quốc gia đầu tư chủ chốt bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản đã làm nổi bật lên xu hướng chuyển dịch sang sản xuất công nghệ cao, giá trị cao.
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng tích cực. Đặc biệt, đầu tư mới và điều chỉnh tăng cả về số lượng dự án cũng như quy mô vốn đầu tư.
Hiện nay, các tỉnh thành như Bắc Ninh, TP.HCM, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, và Đồng Nai là những điểm đến chủ yếu của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đáng chú ý là các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Ninh khi tăng trưởng lần lượt gấp 5,37 và 3,49 lần so với cùng kỳ. Vị trí chiến lược và đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ là các yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng nguồn vốn FDI của các tỉnh thành trong nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp (KCN) Bàu Cạn - Tân Hiệp (giai đoạn 1) ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do Công ty CP KCN Tân Hiệp làm chủ đầu tư.
Đồng Nai hiện có 31 KCN hoạt động và trong tương lai sẽ có thêm 8 KCN mới, gồm Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận đầu tư dự án mở rộng KCN Mỹ Xuân B1 - Conac với quy mô 110 ha. KCN này được thực hiện tại thị xã Phú Mỹ với tổng mức vốn 1.989 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư Xây dựng Dầu khí Idico là chủ đầu tư.
KCN Mỹ Xuân B1 - Conac được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2012, có 163 ha diện tích đất công nghiệp cho thuê. Với tỷ lệ lấp đầy cao, chủ đầu tư Idico đề xuất mở rộng khu công nghiệp này thêm 110 ha.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 13 KCN đang hoạt động với tổng diện tích là 7.243 ha. Trong tương lai sẽ có thêm 4 KCN là Dầu khí Long Sơn, Vạn Thương, KCN đô thị HD, Mỹ Xuân B1 - Conac mở rộng với tổng diện tích là 1.810 ha.
Không chỉ doanh nghiệp Việt, năm nay, bất động sản KCN cũng đón lượng lớn vốn FDI chảy vào. Cụ thể, CapitaLand Investment thuộc Tập đoàn CapitaLand dự kiến đầu tư thêm khoảng 110 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng danh mục hạ tầng bất động sản công nghiệp.
Đánh giá về thị trường, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao Chi nhánh CBRE Việt Nam tại Hà Nội, cho biết: “Trong thời gian gần đây, chúng tôi quan sát thấy nhiều dự án kho xưởng cao tầng bắt đầu được triển khai và lên kế hoạch tại khu vực phía Bắc, tại các vị trí kết nối thuận tiện với Hà Nội và giá thuê đất công nghiệp cao – xu hướng đã xuất hiện trong một vài năm trước tại thị trường miền Nam. Đây là giải pháp giúp chủ đầu tư tối ưu hóa hệ số sử dụng đất, tăng nguồn cung ở các khu vực kết nối thuận tiện tới Hà Nội và giúp thị trường có thêm nhiều sản phẩm đa dạng”.
Tại miền Nam đang có sự đầu tư mạnh mẽ hơn trong phát triển hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản khu công nghiệp đang lan ra những khu vực mới như các thị trường cấp 2 và đồng bằng sông Cửu Long, mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
“Thị trường bất động sản khu công nghiệp từng là thị trường truyền thống, chủ yếu được phát triển bởi các chủ đầu tư trong nước. Tuy nhiên trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn từ các chủ đầu tư nước ngoài, đến từ Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan”, chuyên gia CBRE nêu.
Thị trường bất động sản công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp toàn cầu mở rộng và vận hành hiệu quả. Đây không chỉ là bước tiến của một ngành, mà còn là lời khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
Để củng cố làn sóng đầu tư mới, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, dành ra 7% GDP cho các dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc-Nam, Sân bay Quốc tế Long Thành và các cảng nước sâu như Cái Mép ở Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đó tạo kết nối trực tiếp với khu vực châu Âu, châu Mỹ và Đông Nam Á.
Theo đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, bao gồm các tuyến cao tốc và cảng chính như Hải Phòng và Lạch Huyện, nâng cao sức hút cho các ngành công nghiệp xuất khẩu.
Hay hệ thống cảng rộng lớn của Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là cảng nước sâu Cái Mép cho phép vận chuyển trực tiếp đến các thị trường quốc tế và củng cố vai trò của Việt Nam như một trung tâm logistics chủ chốt.
Ngoài cơ sở hạ tầng giao thông, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh kết nối kỹ thuật số với việc mở rộng mạng lưới sóng 5G và phát triển các trung tâm dữ liệu, hỗ trợ tăng trưởng thương mại điện tử và logistics.
Huyền My (t/h)Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.