Bất động sản công nghiệp 'sáng' nhất thị trường, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%
Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục "sáng cửa" bất chấp khó khăn chung của thị trường bất động sản và sự suy giảm thương mại toàn cầu.
Báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam trong quý 2, thị trường bất động sản trong nước đã có những chuyển biến tích cực hơn so với quý 1. Tuy nhiên, trong báo cáo chuyển động thị trường tháng 8/2023 do Công ty chứng khoán ABCS vừa công bố, có thể thấy, còn có những khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Đối với bất động sản nhà ở, trong quý 2/2023, TP.HCM mở bán 1.254 căn hộ mới (tương đương 8% quý 2/2022) và bán được gần 1.500 căn hộ (tương đương 13% cùng kỳ năm trước). Giá bán sơ cấp trung bình giảm 5% theo quý xuống 2.456 USD/m2, là quý đầu tiên ghi nhận giảm kể từ năm 2018. Phân khúc nhà liền thổ chỉ ghi nhận 15 căn mở bán mới và số lượng căn bán ra rất ít. Tuy nhiên, đợt mở bán 2.000 căn hộ tại phân khu The Glory Heights thuộc dự án Vinhomes Grand với tỷ lệ hấp thụ 90% đã khuấy động thị trường trầm lắng hiện tại.
Trong quý, Hà Nội chào đón nguồn cung mới hơn 1.800 căn hộ (giảm 61%) và bán được hơn 2.200 căn (giảm 63%). Giá bán sơ cấp trung bình tăng 9,5% theo năm, đạt hơn 2.000 USD/m2. Thị trường nhà liền thổ chào đón 152 căn mới, tương đương 12% quý trước và bán được 541 căn, tương đương một nửa quý 1/2023.
Đối với bất động sản khu công nghiệp, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục "sáng cửa" bất chấp khó khăn chung của thị trường bất động sản và sự suy giảm thương mại toàn cầu.
Ở phía Bắc, tính đến cuối quý 2, giá cho thuê trung bình đạt 127 USD/m2/thời hạn thuê còn lại (tăng 3%) và tỷ lệ lấp đầy trung bình ổn định ở mức 81%. 386ha được hấp thụ trong 6T23, tăng 60%. Thị trường phía Nam, giá cho thuê trung bình đạt 187 USD/m2/thời hạn thuê còn lại (tăng 8%) và tỷ lệ lấp đầy giữ ở mức ổn định trên 85%. 397ha được cho thuê trong 6T23, tăng 20%.
Khách thuê Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam sau khi Trung Quốc mở cửa trong khi khách thuê Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Việt Nam được định vị là một trong những địa điểm rất tiềm năng để mở rộng sản xuất và đang nổi lên như một điểm sáng cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và logistics ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Loạt "đại bàng" đến từ Mỹ và Hàn Quốc với dòng vốn FDI quy mô lớn tìm cơ hội phát triển tại Việt Nam, theo Nikkei Asia, chuỗi cung ứng của Apple như BOE, Quanta, Compal, Goertek, Foxconn hiện đã có nhà máy tại các KCN Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, nay có kế hoạch mở và mở rộng nhà máy ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh trong thời gian tới.
Các tập đoàn lớn đều đã đầu tư vào Việt Nam và có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới: Samsung tăng quy mô vốn đầu tư lên 20 tỷ USD, LG sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam, SK đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào Masan, Vingroup...
Bất động sản bán lẻ tiếp tục ảm đạm khi tại TP.HCM trong quý không có nguồn cung mới. Giá thuê tăng 9% lên 235 USD/m2/tháng tại khu vực trung tâm và đi ngang ở mức 41 USD/m2/tháng tại khu vực ngoài trung tâm; tỷ lệ trống cải thiện đạt 5,0% (giảm 1 điểm %) tại khu vực trung tâm và 9,6% (giảm 1,1 điểm %) tại khu vực ngoài trung tâm.
Trong khi đó, thị trường Hà Nội quý 2 chào đón nguồn cung mới từ khối đế của dự án Lancaster Luminaire với diện tích cho thuê là 6.630 m2. Giá thuê trung bình đạt 162 USD/m2/tháng tại khu vực trung tâm (tăng 23%) và 27 USD/m2/tháng tại khu vực ngoài trung tâm (tăng 8%); tỷ lệ trống cải thiện đạt 2,6% (giảm 2,2 điểm %) tại khu vực trung tâm và 14,1% (giảm 0,6 điểm %) tại khu vực ngoài trung tâm.
Bất động sản nghỉ dưỡng nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ trong quý 2 cải thiện so với quý 1 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quý 2 năm ngoái. Trong quý 2 năm nay, có 76 biệt thự biển (tương đương 6% cùng kỳ năm ngoái), 75 nhà phố/shophouse (tương đương 3% quý 2/2022) và 378 condotel được mở bán với tỷ lệ hấp thụ lần lượt là 66%, 44% và 32%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với tình hình hiện tại bước sang quý 3/2023 thị trường bất động sản trong nước sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng rút lui của các doanh nghiệp, thị trường vẫn trong tình trạng "nín thở nằm chờ"; khả quan nhất là phải bước sang quý 4 mới bắt đầu tiến trình hồi phục.
Thanh ThủyTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.