Bất động sản công nghiệp tiếp tục “chuyển mình” trong năm 2025
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, ngành bất động sản khu công nghiệp trong giai đoạn 2025 - 2026 được dự báo tăng trưởng tích cực nhờ dòng vốn FDI giúp nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng.
Mới đây, Công ty Avison Young Việt Nam đã công bố Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý IV/2024 và dự báo năm 2025.
Theo báo cáo, trong quý IV/2024, giá thuê đất công nghiệp và tỷ lệ lấp đầy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không đổi so với quý trước và cũng không biến động nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Ở phía Nam, Bình Dương và Long An dẫn đầu về số lượng giao dịch bất động sản công nghiệp trong năm 2024. Hai địa phương này chiếm gần 40% khu công nghiệp đang hoạt động ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại khu vực phía Bắc, Bắc Ninh và Quảng Ninh là hai điểm sáng, với các giao dịch đáng chú ý, bao gồm thương vụ của Weifang Goer Group mua lại dự án Goertek tại Bắc Ninh và Tập đoàn Coremax mua lô đất tại Khu công nghiệp DeepC ở Quảng Ninh.
Còn theo Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 và dự báo thị trường năm 2025 của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services – FERI), năm 2024, BĐS công nghiệp tại Việt Nam có sự “chuyển mình” rõ nét nhờ quỹ đất khu công nghiệp (KCN) tăng mạnh và phát triển đa dạng loại hình như: nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn, kho xưởng theo yêu cầu và kho lạnh,…
Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, tổng nguồn cung tăng 9% theo năm đạt 15.800 ha; tại khu vực phía Nam nguồn cung đạt 28.100 ha, tăng 2% theo năm; tại nhiều địa phương, các dự án mới tiếp tục được phê duyệt quy hoạch và chủ trương đầu tư, nhiều dự án có quy mô lớn hơn >100ha.
Ngoài ra, thị trường mua bán và sát nhập (M&A) trong mảng BĐS công nghiệp cũng diễn ra sôi động hơn khi các nhà đầu tư đang muốn “săn” các quỹ đất quy mô lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng về Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Cùng với đó, chính sách chuyển đổi quy hoạch KCN theo hướng phát triển xanh, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường đang được chú trọng hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn chung và hướng đến mục tiêu “net zero” của Việt Nam vào năm 2050 cũng là những nhân tố để thị trường BĐS công nghiệp tại Việt Nam có những chuyển biến tích cực.
Việt Nam đang dẫn đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu “nearshoring” (các công ty chuyển hoạt động sản xuất, dịch vụ và hậu cần từ một quốc gia xa sang các quốc gia lân cận) với hơn 35% doanh nghiệp ghi nhận nhu cầu từ các nhà sản xuất đa quốc gia gia tăng trong năm qua. Các tập đoàn lớn như Samsung, Nike, Adidas và Intel đã đầu tư mạnh vào Việt Nam nhờ vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động cạnh tranh, lực lượng lao động tay nghề cao cùng môi trường đầu tư ổn định.
Trước những diễn biến tích cực trên thị trường BĐS khu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng cuộc đua sẽ tiếp tục nóng lên bởi BĐS công nghiệp hiện đang là phân khúc "sáng" của thị trường.
Nhằm giúp BĐS công nghiệp có thể duy trì được sức hấp dẫn cũng như tiếp tục có thể tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, cần có sự phát triển quy hoạch và đồng bộ các cơ sở hạ tầng, đồng thời, các nhà phát triển và nhà đầu tư cũng cần chú trọng đến các xu hướng chung của ngành trong tương lai.
Năm 2025 được dự báo sẽ là một năm có nhiều thách thức trong bối cảnh chính trị tiếp tục có nhiều thay đổi. Song song đó, chính phủ đang trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và triển khai thực hiện các luật mới. Động lực tăng trưởng kinh tế trong nước, nguồn vốn FDI, cũng như việc tích cực triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kỳ vọng sẽ là nền tảng quan trọng trong giai đoạn phát triển tới.
Huyền My (t/h)Khởi đầu năm 2025, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sẽ tiếp đón gần 16.000 khách quốc tế đến tham quan Quảng Ninh trong tháng 1 với 11 chuyến tàu biển đến từ các thương hiệu cao cấp. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy đóng góp quan trọng của du lịch tàu biển trong cơ cấu phát triển ngành du lịch Quảng Ninh.