Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phục hồi chậm hơn kỳ vọng
Trong khi các phân khúc bất động sản nhà ở, công nghiệp, thương mại đã bước vào chu kỳ phát triển mới thì tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lại diễn ra chậm hơn kỳ vọng, dù ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng quý I/2025 tiếp tục được cải thiện nhưng vẫn hạn chế.
Toàn thị trường chỉ ghi nhận 950 sản phẩm mở bán mới trong quý, gấp 2,4 lần quý trước và gấp gần 3 lần cùng kỳ năm 2024, nhưng mới bằng 18% cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, 78% nguồn cung mới được đóng góp từ những dự án tại khu vực miền Trung. Các dự án mới mở bán đều được hấp thụ tương đối tốt, với tỷ lệ đạt 51%, tương đương hơn 400 giao dịch, nhờ nguồn cung mới được cải thiện về chất lượng và nhu cầu phục hồi.

Ảnh minh họa: Internet
Đáng chú ý, sản phẩm mở bán mới đều được phát triển theo hướng gia tăng giá trị sử dụng thực tế, tối ưu hóa công năng và trải nghiệm, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hầu hết dự án mở bán đều đã hoặc sẵn sàng đưa vào vận hành.
Theo VARS, đây là động thái tích cực, thể hiện rõ quyết tâm thay đổi từ phía chủ đầu tư trong hoạt động tái cấu trúc sản phẩm và chiến lược tiếp cận thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả bán hàng và từng bước thúc đẩy sự phục hồi bền vững cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, thay vì chạy theo sự tăng trưởng ngắn hạn. Đồng thời tiếp thêm niềm tin cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, phân khúc này cũng đang đối mặt với sự phân hóa mạnh. Ghi nhận thực tế trên thị trường cho thấy, một số chủ đầu tư đã chủ động “đóng” giỏ hàng để tái cấu trúc sản phẩm, điều chỉnh chiến lược truyền thông và mô hình kinh doanh phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Trong khi đó, nhiều dự án mở bán trước đó còn hàng tồn kho tiếp tục chào bán, mà không có sự thay đổi về sản phẩm hay giá bán nên vẫn ế ẩm.
Nguyên nhân là do áp lực chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là chi phí đất đai và chi phí tài chính phát sinh trong thời gian “đóng băng”, khiến việc tái khởi động nhiều dự án trở nên khó khăn. Để đảm bảo lợi nhuận, không ít chủ đầu tư buộc phải tăng giá bán, dẫn đến khó cạnh tranh với thị trường thứ cấp.
VARS cho rằng, nhu cầu đầu tư phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn hiện hữu nhưng đang ở trạng thái chờ đợi. Chỉ cần thị trường xuất hiện sản phẩm chuẩn về pháp lý, đủ yếu tố hấp dẫn để đảm bảo tiềm năng khai thác vận hành hiệu quả thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ mạnh dạn rót vốn.
Trong bối cảnh này, bất động sản nghỉ dưỡng gắn với chăm sóc sức khỏe đang nổi lên như một phân khúc dẫn dắt dòng tiền mới. Không chỉ đơn thuần là nơi lưu trú, các sản phẩm nghỉ dưỡng hiện đại phải kết hợp giữa nghỉ ngơi, phục hồi thể chất, thanh lọc tinh thần, đúng với triết lý “wellness living” đang lan rộng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả đầu tư và duy trì lợi suất ổn định, VARS khuyến nghị, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng bài toán chi phí đầu tư, vận hành so với khả năng khai thác thực tế. Nhà đầu tư nên ưu tiên các dự án đã hoàn thiện hạ tầng, có pháp lý minh bạch, đã đưa vào vận hành hoặc sẵn sàng khai thác với lượng khách ổn định.
Đặc biệt là các dự án có yếu tố tự nhiên nổi bật, sẽ đảm bảo sức hút với khách hàng trong quá trình vận hành; tránh đầu tư theo phong trào, cần nghiên cứu kỹ phương án vận hành, khả năng sinh lời thực tế và uy tín chủ đầu tư.
Huyền My (t/h)
Báo cáo Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 được Cục Thống kê công bố cho thấy, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống người dân được cải thiện. Năm 2024 thu nhập bình quân đầu người/tháng theo giá hiện hành đạt 5,4 triệu đồng, tăng 9,1% so với năm 2023.