Bất động sản logistics tại Việt Nam đang bứt phá mạnh mẽ

Báo cáo mới nhất của JLL về bất động sản hậu cần cho biết thị trường kho vận (bất động sản logistics) Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ trong 12 tháng qua nhờ sự bứt phá của thương mại điện tử.

Bất động sản logistics tại Việt Nam đang bứt phá mạnh mẽ

Diễn biến trên cho thấy các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến thị phần nhà kho và không ngừng thúc đẩy nguồn cung tăng cao kỷ lục, bất chấp tác động COVID-19.

Theo đại diện của Tập đàn Bất động sản JLL mới đây, trong 11 tháng đầu năm nay, FDI ghi nhận hơn 26 tỷ USD, trong đó có 51% tập trung vào sản xuất và khoảng 4 tỷ USD được đầu tư vào các nhà máy năng lượng. Đây là lý do tại sao mô hình logistic cũng phát triển vượt bậc đi theo.

Bất động sản logistics tại Việt Nam đang bứt phá mạnh mẽ - Ảnh 1.

Bất động sản logistics Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ. Ảnh: Thương Trường

Đồng thời, dòng vốn FDI đầu tư vào BĐS hậu cần và chuỗi cung ứng Việt Nam cũng tăng mạnh trong hai năm trở lại đây. Các quỹ đầu tư lớn đã hoàn tất đầu tư 3 tỷ USD cho giai đoạn 1 và một số quỹ đang kêu gọi đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.

Hiện Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng ngành hậu cầu Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics/công nghiệp, ngành hậu cầu Việt Nam cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm thời gian và chi phí vẫn còn cần thêm nhiều cải tiến đáng kể. Hiện chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.

Đại diện JLL nhận định, Việt Nam có tiềm năng phát triển thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á trong tương lai và đây sẽ là động lực lớn nhất để BĐS hậu cần phát triển.

Theo số liệu của JLL, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam vào năm 2015 ước tính 4 tỉ USD, đến năm 2017 tăng trưởng hơn 50% lên 6,2 tỷ USD và năm 2020 tăng trưởng gấp đôi so với năm 2017 khi đạt 13 tỷ USD.

Ngoài ra, khi chiến tranh thương mại xảy ra, Việt Nam luôn dẫn đầu về lượng nhà máy dịch chuyển sản xuất và mở rộng với 26 nhà sản xuất, kế đến là Đài Loan. Foxconn là trường hợp điển hình khi tập đoàn này có kế hoạch đầu tư 270 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Đối với thị trường tiêu thụ trong nước, khi dịch COVID-19 xảy ra, cơ cấu bán hàng đã có sự dịch chuyển, không chỉ dừng lại ở kênh truyền thống mà bắt đầu ở cả kênh thương mại điện tử (website, facebook, instagram,…) và mô hình này được gọi là omni channel, tức bán qua nhiều kênh khác nhau.

Đại diện JLL cho rằng, trong vòng ba năm tới, logistic Việt Nam sẽ tăng trưởng 14 - 16%. Riêng BĐS nhà kho, khu vực tam giác Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM là hướng mới cho tăng trưởng logistic do khu vực trung tâm hiện tại cực kỳ eo hẹp nguồn cung.

Với lợi thế về hạ tầng đang phát triển, nhu cầu về kho bãi ở những khu vực trên ngày càng tăng. Một số đơn vị phát triển nhà kho cũng đang tìm kiếm quỹ đất ở những thị trường này.

Tính đến tháng 12/2020, tổng nguồn cung nhà kho tại Long An, TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã vượt ngưỡng trên 3 triệu m2 sàn, trong đó Bình Dương dẫn đầu với gần 1,4 triệu m2 kho vận cung cấp cho thị trường bất động sản hậu cần. TP HCM và Đồng Nai lần lượt đưa ra thị trường 600-800 nghìn m2 nhà kho. Long An có nguồn cung kho vận ít nhất trong top 4 các tỉnh phía Nam nhưng cũng đã sớm xuất hiện hàng trăm nghìn m2 nhà kho phục vụ thị trường tập kết và trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây.

Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc tăng trưởng khiêm tốn hơn thủ phủ công nghiệp phía Nam với tổng nguồn cung đạt 880 nghìn m2 kho vận xuất hiện tại Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Phòng.

Nguyên nhân của làn sóng bùng nổ loại hình bất động sản kho vận theo JLL là do nhân khẩu học của Việt Nam có đặc thù dân số trẻ, đô thị hóa cao và đặc biệt là sự bứt phá của thương mại điện tử cũng là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần.

Ở những thị trường thương mại điện tử phát triển trưởng thành như Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc, diện tích bất động sản, hay nói chính xác là kho vận cần sẽ gấp 3 lần so với mô hình bán hàng truyền thống.

Đại diện JLL phân tích, các nhà sản xuất cần trung tâm đóng gói hàng hóa và phân loại hàng hóa. Từ trung tâm này đi qua vị trí trung chuyển và đi đến kho, rồi mới đến tay người tiêu dùng. Đó là hệ thống cơ bản của thương mại điện tử. Ngoài ra, nếu khách không hài lòng và trả hàng, hàng trả lại sẽ được lưu ở những kho khác và nhà sản xuất lại cần thêm một kho để sửa chữa hàng hóa.

Với các yêu cầu cải thiện và rút ngắn tốc độ giao hàng nhằm phục vụ người tiêu dùng nhanh nhất, các nhà bán lẻ trực tuyến lớn hướng tới cung cấp các tùy chọn giao hàng trong ngày. Từ đó kéo theo làn sóng mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng. Để đi trước xu hướng, các nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần cần phải đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng. Các chiến lược giao hàng chặng cuối (last-mile) thành công sẽ cần các giải pháp sáng tạo, quy trình hiện đại, chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ mới nhất.

Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam JLL cho biết, Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới là động lực rất lớn khiến thị trường kho vận bùng nổ. Khách thuê nhà kho đang có xu hướng nâng cấp từ các cơ sở lỗi thời, vừa và nhỏ và quản lý bởi chủ sở hữu tư nhân, để chuyển đến các kho hiện đại, ở vị trí tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc hợp nhất các hoạt động logistics vào hiện đại hóa chuỗi cung ứng đang nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí logistics tổng thể cho khách thuê. Tăng trưởng trong các ngành khác cũng sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường hậu cần 3 bên, bao gồm tăng trưởng trong ngành thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, cũng như các ngành thiết bị văn phòng và công nghệ.

Mai Linh
Từ khóa: logistics
Ý kiến của bạn