Bất động sản nghỉ dưỡng hậu Covid: Giá trị thật vẫn hút khách
Trong bối cảnh phần lớn các nhà đầu tư vẫn mang nặng tâm lý “thủ” trước những biến cố do dịch Covid-19 gây ra và nguồn cung rất dồi dào, cuộc chạy đua giữa các DN có cùng dòng sản phẩm bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.
Động lực chính từ phát triển du lịch
Với sự phát triển của du lịch Việt Nam, nhu cầu về dịch vụ lưu trú của khách hàng tầm trung ngày càng lớn. Đa số khách du lịch hiện nay chỉ có ngân sách trung bình cho chuyến nghỉ dưỡng của mình, tìm kiếm các sản phẩm lưu trú vừa túi tiền. Nắm bắt được xu thế này, chủ đầu tư các dự án BĐS du lịch đã phát triển các loại hình sản phẩm diện tích nhỏ với mức giá hợp lý hơn. Đây chính là giai đoạn mà hàng loạt dự án căn hộ du lịch (hay còn gọi là condotel), chung cư biển, căn hộ dịch vụ… ra đời một cách rầm rộ.
Phối cảnh một dự án bất động sản nghỉ dưỡng (hình minh họa).
Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện đang có nguồn cung khoảng 50.000 căn condotel trên thị trường. Bên cạnh những thị trường nghỉ dưỡng đã khá phát triển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, giới đầu tư cũng đang dần nhắm tới các địa phương mới như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Đánh giá về thị trường BĐS nghỉ dưỡng giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Trọng Thức - Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển thuộc CBRE Việt Nam cho hay, từ năm 2015 đến nay, cùng với sự tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến Việt Nam, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã có những bước tiến đáng kể về cả nguồn cung và cầu. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc này cũng dẫn tới thị trường có dấu hiện bão hòa.
Giá trị thật dẫn dắt thị trường
Khảo sát cho thấy, mặc dù bị tác động cực mạnh từ dịch Covid-19, tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã khá nhạy bén thực hiện tái cấu trúc sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận khách hàng để thích ứng, tung sản phẩm mới ra thị trường. Nhờ đó, ngay khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, những DN này đã kịp bắt nhịp trở lại, sẵn sàng tăng tốc trong giai đoạn tới. Theo nhận định của giới chuyên môn, việc tung ra các mô hình mới trong lĩnh vực nghỉ dưỡng cho thấy khả năng nhanh nhạy và nắm bắt thị hiếu của các nhà phát triển BĐS. Covid-19 đã tạo ra sự thanh lọc trên thị trường để nhà đầu tư có thể dễ dàng hơn khi nhận diện dự án thực sự chất lượng.
Nhắm vào nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao, Phú Long cùng chủ đầu tư Sài Gòn Sovico Phú Quốc giới thiệu ra thị trường dự án L'Alyana Senses World quy mô 219ha trên bãi biển Ông Lang (Phú Quốc). Dự án đầu tiên trong quần thể L'Alyana Senses World được giới thiệu ra thị trường là Furama Resort & Spa Phú Quốc với quy mô 223 phòng resort và 85 pool villa trên diện tích 7,2ha nằm ngay trên biển với vị trí trung tâm của quần thể này.
Tập đoàn CEO cũng đang triển khai tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City quy mô 358,3ha theo mô hình “All in One”. Với xu hướng tổ hợp vui chơi nghỉ dưỡng, Vingroup tiếp tục giới thiệu dự án Grand World Phú Quốc. Tương tự, Tập đoàn Novaland cũng đã bắt đầu khởi động kế hoạch đầu tư xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng NovaWorld Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu). Dự kiến, trong tháng 6/2020, Tập đoàn này sẽ công bố nhà mẫu và sản phẩm đợt 2 dự án NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận) có quy mô 1.000ha tại Bình Thuận ra thị trường…Theo dự báo của các chuyên gia, ngay khi dịch kết thúc, sẽ có một làn sóng đầu tư từ thương nhân Việt kiều và người nước ngoài vào BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng của BĐS nghỉ dưỡng trong tương lai, ông Dương Minh Tiến – Tổng Giám đốc Công ty BĐS Asia New Time cho rằng, không đơn thuần là một xu thế, BĐS nghỉ dưỡng đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. “Việt Nam có quá nhiều lợi thế để phát triển dòng sản phẩm nghỉ dưỡng. Sau dịch Covid, Việt Nam còn được biết đến như một điểm đến thực sự an toàn cho tất cả mọi người. Hội tụ đầy đủ những yếu tố này, có thể chắc chắn rằng thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ… không bao giờ hết nóng" - ông Tiến nhận định.
Việt TâmTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.