Bất động sản nghỉ dưỡng nhiều nơi gần như mất thanh khoản
Theo DKRA, thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng đóng băng, trong khi niềm tin của nhà đầu tư suy giảm khiến thị trường này khó phục hồi trong ngắn hạn.
Trong báo cáo thị trường tháng 11, đơn vị nghiên cứu DKRA đánh giá phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng gần như mất thanh khoản trên cả nước.
Tổng nguồn cung sơ cấp trong tháng đạt hơn 10.000 căn, nhưng chỉ có 119 căn bán được, tương đương 1,2%. Phần lớn giao dịch là sản phẩm condotel, còn biệt thự và nhà phố nghỉ dưỡng chỉ có vài căn được bán.
Với biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung trong tháng tương tương so với tháng trước với 232 căn nhưng giảm 1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thanh khoản gần như đóng băng khi hơn 90% dự án đóng giỏ hàng khiến thị trường không ghi nhận phát sinh giao dịch.
Giá bán sơ cấp vẫn duy trì ổn định và không có nhiều biến động so với tháng trước. Giá bán cao nhất ở Đà Nẵng hiện ở mức 100,5 triệu đồng/m2, thấp nhất khoảng 18,6 triệu đồng/m2. Còn tại Quảng Nam, giá bán cao nhất neo ở ngưỡng 73 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 25,9 triệu đồng/m2. Tại Thừa Thiên Huế, giá bán thấp hơn, dao động 9,1-52,8 triệu đồng/m2.
Khó khăn về thanh khoản tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường. Niềm tin của nhà đầu tư ở mức thấp, dẫn đến trạng thái ảm đạm kéo dài và vẫn chưa cho thấy bất kỳ tín hiệu hồi phục nào trong ngắn hạn”, báo cáo của DKRA nêu.
Tương tự với condotel, nguồn cung tiếp tục đi ngang với 654 căn và tất cả đều đến từ các dự án cũ, thị trường không ghi nhận thêm nguồn cung mới. Không có giao dịch condotel nào được ghi nhận trong tháng qua và giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với cùng kỳ.
Khảo sát về giá condotel trên thị trường sơ cấp ở 3 khu vực gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế cho thấy Quảng Nam là địa phương có giá condotel cao nhất dao động trong khoảng 38-156 triệu đồng/m2. Giá loại hình này ở Đà Nẵng cao nhất khoảng 148 triệu đồng/m2 và thấp nhất ở mức 33 triệu đồng/m2. Mức giá sơ cấp ở Thừa Thiên Huế dao động 22-27 triệu đồng/m2
Pháp lý vẫn là rào cản của loại hình condotel. Đặc biệt việc thanh khoản ở mức thấp, niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục suy giảm đã gây cản trở cho sự phục hồi của thị trường trong ngắn hạn.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án (DKRA Group) cho biết niềm tin thị trường với bất động sản nghỉ dưỡng vẫn rất thấp, kéo dài thách thức về thanh khoản và khả năng tăng giá. Dù ngành du lịch dần khởi sắc, nhiều dự án không đảm bảo tiến độ, thậm chí bỏ hoang do thiếu vốn khiến tình cảnh "đóng băng" ở phân khúc này được dự báo kéo dài.
Để kích cầu, các chủ đầu tư đã nỗ lực triển khai các chính sách ưu đãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, cam kết, chia sẻ lợi nhuận, doanh thu, ân hạn nợ gốc... song hiệu quả không cao. Trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư gặp áp lực tài chính tiếp tục giảm giá, "cắt lỗ" để thoát hàng.
Thời gian tới, các chuyên gia dự báo nguồn cung mới tiếp tục vắng bóng do chủ đầu tư thận trọng hơn khi ra hàng vào thời điểm khó khăn. Thanh khoản dự kiến vẫn ảm đạm và khó có đột biến trong ngắn hạn do nút thắt pháp lý chưa được tháo gỡ. Mùa đông của bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp diễn sang năm 2025.
An Mai (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.