Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm trở lại đường đua?

Nhịp cầu BĐS
08:33 AM 15/02/2024

Các chuyên gia nhận định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch sau nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn và kích cầu của chính phủ và các doanh nghiệp sẽ là động lực để bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 và các năm sau đó.

Theo Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2023, sản phẩm bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng giảm hơn 80% so với năm 2022, thanh khoản sụt giảm, giao dịch thành công trên toàn thị trường thấp. 

Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm trở lại đường đua?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VnEconomy

Bên cạnh nhiều dự án bị vướng pháp lý, thì chủ đầu tư trì hoãn thời gian triển khai bán, nhất là những sản phẩm có giá trị cao, tránh sự cạnh tranh trực tiếp từ các sản phẩm cắt lỗ, chờ sự hồi phục, nên sản phẩm đưa ra thị trường vẫn không đạt như kỳ vọng. Sản phẩm hiện có chủ yếu là các dự án căn hộ biển rải rác cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam (tập trung ở những thành phố biển như Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng…).

Theo các chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng cần thêm thời gian để trở lại đường đua, ít nhất là với tầm nhìn từ nay đến năm 2025, khó đột biến trong ngắn hạn. Tuy vậy, sức cầu rục rịch ở giai đoạn này đối với một số dự án cũng cho thấy sự khả quan về tín hiệu phục hồi.

Trong 10 năm qua (2013 - 2023), nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tại các điểm đến ven biển tăng trung bình 16%/năm. Một số điểm đến như Mũi Né, Nha Trang và Hạ Long tập trung phát triển vào cùng một phân khúc. Cụ thể, hơn 80% nguồn cung tại các địa phương này thuộc phân khúc tầm trung (Midscale - Upper Midscale). Đây là phân khúc có sự cạnh tranh cao về mặt bằng giá, không chỉ từ nguồn cung khách sạn mà còn gặp sự cạnh tranh từ những dự án căn hộ nghỉ dưỡng do chủ sở hữu tự kinh doanh, cho thuê với chính sách giá bán linh động để thu hút nguồn cầu.

Một số dự án chú trọng về số lượng hơn chất lượng, thậm chí lên đến gần 1.000 phòng. Quy mô lớn khiến các dự án này gặp nhiều thách thức trong việc đem đến những trải nghiệm nghỉ dưỡng đúng nghĩa cũng như đáp ứng chất lượng dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngành nghỉ dưỡng cũng đang đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của ngành du lịch, đặc biệt là nguồn cầu quốc tế trước đại dịch đã thúc đẩy hoạt động phát triển BĐS nghỉ dưỡng nói chung và khách sạn nói riêng.

Riêng năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần năm 2022. Trong đó, châu Á là khu vực đóng góp lượng khách lớn nhất với hơn 9,78 triệu người, gấp 3,8 lần năm trước. Khách đến từ châu Âu đạt 1,459 triệu người, gấp 2,9 lần năm ngoái. Khách đến từ châu Mỹ đạt 903,8 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần; khách đến từ châu Đại dương đạt 428,1 nghìn lượt người, gấp 2,7 lần; khách đến từ châu Phi đạt 30,1 nghìn lượt người, gấp 2,6 lần. 

Hàn Quốc là thị trường khách số 1 của du lịch Việt Nam, đạt gần 3,6 triệu lượt khách cả năm 2023. Trung Quốc là thị trường khách thứ 2 của du lịch Việt với gần 1,75 triệu lượt khách. Ngoài ra, thị trường khách du lịch đến từ Nhật Bản, Malaysia và Ấn Độ cũng chiếm ưu thế.

Bất động sản nghỉ dưỡng là một ngành dễ tổn thương bởi các biến động kinh tế, chính trị cũng như sự thay đổi trong hành vi và sở thích của khách hàng. Do vậy, xây dựng và phát triển ngành bất động sản nghỉ dưỡng chất lượng cần nhiều nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như liên tục nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Trong thời gian tới, việc mở rộng nguồn cầu, trong đó việc thu hút các thị trường quốc tế mới là điều kiện cần thiết để hỗ trợ sự khôi phục và phát triển của ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Chính sách thị thực gần đây đem đến nhiều chuyển động tích cực cho thị trường, cho phép khách quốc tế có thể lưu trú tại Việt Nam lâu hơn cũng như cho phép nhập cảnh nhiều lần.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện, rút ngắn thời gian nhập cảnh cũng như trải nghiệm của du khách tại các cảng hàng không. Đồng thời, chúng ta vẫn cần cải thiện hạ tầng phục vụ cho du lịch quốc tế, bao gồm gia tăng tần suất các chuyến bay và mở nhiều đường bay trực tiếp hơn để du khách dễ dàng tiếp cận các địa điểm du lịch.

Với bề dày lịch sử, văn hóa, nhịp sống sôi động và nền ẩm thực đặc sắc, ngành nghỉ dưỡng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam cần chú trọng hơn nữa công tác truyền thông sản phẩm du lịch đến thị trường quốc tế, cũng như thực hiện quảng bá hình ảnh phù hợp với đặc thù từng địa phương.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.