Bất động sản toàn cầu tăng mạnh nhất kể từ năm 2006
Các chính sách kích thích tiền tệ và tài khóa với quy mô khổng lồ nhằm vực dậy các nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 đã tạo ra một sự bùng nổ trên thị trường bất động sản toàn cầu.
Giá nhà trên toàn thế giới đang ghi nhận đà tăng mạnh nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về khả năng "bong bóng" và buộc chính phủ nhiều nước phải hành động. Theo Chỉ số giá nhà toàn cầu của Công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản Knight Frank được công bố ngày 3/6, giá nhà trung bình tăng 7,3% trong 12 tháng tính đến tháng Ba năm nay, mức tăng nhanh nhất kể từ quý 4/2006.
Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu danh sách với mức tăng 32%, tiếp đó là New Zealand với 22,1%. Mỹ đứng ở vị trí thứ năm với 13,2%, mức tăng mạnh nhất của nước này kể từ tháng 12/2005.
Tại châu Á, Singapore ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 6,1%, sau đó là Hàn Quốc với 5,8% và Nhật Bản với 5,7%. Giá nhà tại Hong Kong (Trung Quốc), thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, tăng 2,1%.
Xu hướng thị trường bất động sản toàn cầu tăng mạnh dự kiến tiếp tục kéo dài cho tới cuối năm nay và sang năm sau, trong bối cảnh lãi suất cho vay xuống thấp nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ, cũng như chiến dịch tiêm vaccine được đẩy mạnh giúp kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Giá bất động sản leo thang trên toàn cầu diễn ra cùng lúc với thị trường chứng khoán tăng vọt nhờ các gói kích thích chưa từng có và sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Điều này cũng làm dấy lên những lo ngại về khả năng "bong bóng", và nhiều quốc gia đã hành động để hạ nhiệt thị trường bất động sản.
New Zealand đã dỡ bỏ những ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư bất động sản, và chính phủ nước này dự đoán đà tăng giá nhà sẽ chậm lại chỉ còn 0,9% từ nay đến tháng Sáu năm sau. Trong khi đó, Trung Quốc đã ban hành một loạt các biện pháp để kìm hãm các nhà phát triển dự án và hạn chế ngân hàng cho lĩnh vực này vay vốn.
Knight Frank dự đoán thị trường bất động sản sẽ bớt nhộn nhịp hơn trong bối cảnh chính phủ nhiều nước đã vào cuộc và các biện pháp kích thích tài khóa dự kiến sắp kết thúc. Bên cạnh đó, mối đe dọa từ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tiến trình tiêm vaccine COVID-19 chưa thực sự ổn định cũng có khả năng gây áp lực lên đà tăng trưởng giá nhà.
Mặc dù tăng giá bất động sản là xu thế toàn cầu nhưng vẫn có những ngoại lệ như Ấn Độ. Giá nhà tại nước này được dự báo sẽ đình trệ trong năm nay do ảnh hưởng nặng nề của làn sóng COVID-19 thứ hai.
Huyền My (T/h)Số liệu công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội sáng ngày 2/11 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.