'Bật mí' cách lựa chọn phương thức tuyển sinh đại học

Giáo dục
05:30 PM 17/01/2022

Có khoảng hơn 10 phương thức xét tuyển đã được các trường đại học công bố cho mùa tuyển sinh năm 2022. Phương thức ngày càng đa dạng nên các chuyên gia khuyên phụ huynh, học sinh lọc thông tin theo trình tự, tránh tình trạng càng đọc càng rối.

Mùa tuyển sinh năm 2022 ghi nhận sự đổi mới trong phương thức tuyển sinh của hầu hết các trường. Tính đến thời điểm hiện tại, có đến hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng.

Các phương thức gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GĐĐT và quy định của trường, xét tuyển học sinh giỏi; xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy, xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) theo tổ hợp môn, xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn; xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ, xét tuyển bằng học bạ kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu…

Trong đó không ít trường đồng thời áp dụng đến 6, 7 phương thức bằng xét tuyển và tổ chức thi tuyển riêng. Điều này khiến không ít phụ huynh, thí sinh băn khoăn trước khi quyết định lựa chọn xét tuyển đại học theo phương thức nào.

Cách hóa giải 'ma trận' trước hàng chục phương thức tuyển sinh đại học - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Trao đổi với các cơ quan báo chí, Hiệu phó Đại học Giao thông Vận tải - ông Nguyễn Thanh Chương - cho rằng, về mặt tâm lý, phụ huynh, học sinh cần phải bình tĩnh, lạc quan trước tình trạng đa dạng phương án tuyển sinh. Bởi khía cạnh tích cực của vấn đề là, với nhiều lựa chọn, thí sinh sẽ có cơ hội tìm thấy cách thức mình có lợi thế nhất.

Ông Chương nhấn mạnh, học sinh cần xác định rõ ngành học mong muốn trước khi bắt đầu tìm kiếm thông tin. Bước đầu tiên của quá trình này là khoanh vùng các trường có ngành học theo nguyện vọng. Sau đó, dựa vào các dữ liệu năm trước, cần xếp danh sách trường theo thứ tự cao đến thấp về điểm đầu vào, để dễ đối chiếu với năng lực bản thân, từ đó lọc ra một số trường phù hợp.

Sau khi thu hẹp phạm vi ngành, trường quan tâm, các em mới vào website của trường để tìm hiểu về chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển, tiêu chí phụ... "Tất cả có trong đề án tuyển sinh mà các trường sẽ công bố vào tháng 2-3 tới. Theo quy chế, các trường đều phải công khai nên thí sinh sẽ không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm", ông Chương nói.

Tới đây, thay vì đọc mọi phương án và rơi vào rối loạn, thí sinh chỉ nên quan tâm tới các cách thức xét tuyển mà mình có đủ điều kiện. Các trường thường áp dụng đồng thời 5-7 phương thức, kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Những mỗi thí sinh sẽ tìm thấy 2-3 phương thức phù hợp nhất với mình. Khi đã giới hạn hẹp lại đến mức này, việc so sánh ưu thế giữa các phương thức cũng như tìm hiểu các điều kiện cụ thể sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại cho hay, qua từng năm, phương án tuyển sinh của các trường đại học ngày càng đa đạng để bắt kịp với nhu cầu thực tế, phù hợp nhiều đối tượng thí sinh. Tuy nhiên, khi càng nhiều trường có nhiều phương án tuyển sinh, nếu không biết cách phân tích và lọc dữ liệu, thí sinh sẽ dễ bị rối.

Tuy nhiên, theo ông Thái, thực tế các trường chỉ sử dụng hai nhóm phương thức xét tuyển chính là xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển theo các phương thức khác (gồm tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT hoặc của trường; học bạ; kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ; đánh giá năng lực; đánh giá tư duy).

Với mỗi phương thức này, thí sinh cần tìm kiếm phần cơ cấu chỉ tiêu tương ứng để đo cơ hội.

“Ngoài ra, thí sinh khi đọc cũng cần hiểu rằng tiêu chí đủ điều kiện xét tuyển khác với việc trúng tuyển. Có thể thông tin trường đưa yêu cầu đầu vào là 5.5 IELTS nhưng không có nghĩa thí sinh đạt mức điểm đó là trúng tuyển mà các trường sẽ căn cứ vào chỉ tiêu rồi lấy từ trên xuống dưới và thực tế có thể phải 6.5 mới trúng tuyển,...”, ông Thái chia sẻ.

Ngoài ra, thí sinh cần đọc kỹ, lưu ý các tiêu chí phụ xét tuyển đại học, điều kiện liên quan đến học bạ, tránh trường hợp đủ điểm trúng tuyển nhưng sau đó bị đánh trượt khi các trường hậu kiểm và phát hiện không đạt điều kiện.

Dành lời khuyên cho các thí sinh, phụ huynh, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng Phòng đào tạo Trường Đại học Công nghiệp TPHCM - chia sẻ, bản thân các em cần tìm hiểu kỹ bởi mỗi phương thức có ngưỡng đảm bảo chất lượng khác nhau, cách thức tính điểm khác nhau. Sau đó, dựa vào những kết quả, chứng chỉ mà mình đang có, tận dụng thế mạnh của mình, lựa chọn phương thức phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường, các ngành mà em muốn.

“Chúng tôi rất mong muốn chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của nhà trường. Đồng thời, phía thí sinh có cơ hội học ở môi trường mong muốn với điều kiện, khả năng của mình. Trên tinh thần đó, năm 2022, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM giữ ổn định các phương thức xét tuyển để thí sinh nắm rõ và có cơ hội trúng tuyển” – TS Nhân chia sẻ.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn