Bất ngờ hiện tượng lãi suất qua đêm của Việt Nam thấp hơn tại Mỹ
Lãi suất qua đêm của Việt Nam tại một số thời điểm còn thấp hơn lãi suất tại Mỹ. Đây là hiện tượng chưa từng có trên thị trường Việt Nam.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra một thống kê khá bất ngờ rằng, gần 70% doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là cho vay qua đêm. Thế nhưng, lãi suất cho vay qua đêm cả tháng qua chỉ xoay quanh 0,1%, thấp nhất trong lịch sử.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trên thị trường lãi suất tại Việt Nam. Mức lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tại Việt Nam đang xấp xỉ lãi suất cho vay qua đêm tại Mỹ (hiện là 0,8%).
Thậm chí, trong tháng 10, có thời điểm lãi suất cho vay qua đêm tại Việt Nam thấp hơn cả tại thị trường Mỹ.
Dù lãi suất thấp, song nhu cầu vay của các ngân hàng vẫn rất thấp, có ngày chỉ hơn 30.000 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, tín dụng tăng chậm trong khi vốn huy động vẫn ồ ạt chảy vào ngân hàng đang khiến ngân hàng dư thừa một lượng vốn lớn. Trong khi đó, việc đầu tư cho vay trên thị trường không hiệu quả do lãi suất thấp kỷ lục, ngân hàng nào cũng dư thừa tiền, không có nhu cầu vay mượn lẫn nhau.
Trong 5 năm gần đây, mặt bằng lãi suất đã thay đổi rất mạnh. Nếu đầu năm 2016, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng trên thị trường ở mức 5%/năm, thì hiện tại đã giảm còn 3,1 - 3,3%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng lớn cũng tụt về 5,8%/năm so với mức 7%/năm 5 năm trước.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, NHNN khẳng định, từ năm 2016 đến nay, NHNN điều chỉnh giảm 2 - 2,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,8 - 1,5%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 2,5%/năm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, NHNN đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh. So với các nước trong khu vực, mức giảm lãi suất điều hành của Việt Nam là một trong các mức giảm mạnh nhất: Philipines giảm 1,75%; Thái Lan giảm 0,75%; Malaysia giảm 1,25%; Indonesia giảm 1%; Ấn Độ giảm 1,15%; Trung Quốc giảm 0,3%.
Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016.
Ngoài ra, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng. Tính đến tháng 7/2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%; Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4.
Những tháng đầu năm, do tác động của Covid-19, cầu tín dụng thấp, nên tăng trưởng tín dụng thấp hơn các năm trước, song cũng đang phục hồi tích cực. NHNN cho biết, đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung rót vốn vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. NHNN cũng liên tục xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 với các tổ chức tín dụng đáp ứng tốt các tỷ lệ bảo đảm an toàn và có khả năng mở rộng tín dụng, nhưng không làm tăng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Hoàng Mai (TH)Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.