Bất ngờ nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người dùng nên xử lý thế nào?
Nhận được tiền chuyển khoản nhầm mà không trả lại, tự ý sử dụng sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu có một người lạ liên hệ thông báo họ là người chuyển khoản và yêu cầu người nhận phải hoàn trả trở lại thì cần hết sức cảnh giác, không nên vội vàng chuyển tiền lại,...
Chuyển tiền qua Internet Banking, qua ATM đã trở nên rất phổ biến trong đời sống hàng ngày của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, vì những lý do sơ suất, nhất là nhầm số tài khoản ngân hàng mà không ít người rơi vào tình huống chuyển nhầm tiền cho người khác.
Nếu là người nhận được tiền, biết là chuyển nhầm nhưng không trả lại và tự ý sử dụng tiền sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, theo Điều 597, Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Người nào chiếm hữu hay người nào sử dụng tài sản của người khác mà xác định đó không phải là tài sản của họ thì phải tiến hành hoàn trả lại cho chủ sở hữu của khối tài sản đó. Trường hợp không tìm được chủ sở hữu thì tiến hành việc giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trông giữ, bảo quản. Trừ trường hợp được quy định trong điều 236 Bộ luật dân sự 2015. Người nào được lợi về tài sản mà xác định được khối tài sản đó không phải của họ và đồng thời làm cho chủ sở hữu khối tài sản đó bị thiệt hại thì phải tiến hành hoàn trả lại khoản lợi đó cho người bị thiệt hại. Trừ trường hợp được quy định trong điều 236 Bộ luật dân sự 2015".
Người nào có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng và tịch thu số tiền vi phạm theo quy định tại Điểm e Khoản 2 và Khoản 3 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 với mức xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.
Vậy nếu nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người dùng nên xử lý như thế nào?
Khi nhận được tiền do chuyển khoản nhầm, người nhận không được sử dụng số tiền đó vào việc cá nhân. Nếu đó thật sự là tiền chuyển nhầm sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc. Hoặc người nhận có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo và giải quyết. Nếu là số tiền nhỏ, người nhận có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp bản sao kê để đối chiếu thông tin nhận được và tiến hành chuyển trả lại. Nếu là số tiền lớn thì người nhận cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng để xác minh.
Đặc biệt, nếu có một người lạ liên hệ thông báo họ là người chuyển khoản nhầm và yêu cầu người nhận phải chuyển khoản trở lại thì cần hết sức cảnh giác vì theo quy định, ngân hàng sẽ không cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng (số điện thoại, địa chỉ) cho bất kỳ ai. Ngân hàng cũng không được tự ý hoàn trả số tiền chuyển nhầm khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận tiền. Trong trường hợp này, người nhận cần liên hệ với phía ngân hàng để đối chiếu, xác thực.
Trên thực tế, thời gian qua đã xuất hiện các thủ đoạn lừa đảo khi cố ý chuyển tiền nhầm với mục đích mờ ám. Chiêu lừa được đối tượng tội phạm sử dụng khiến nhiều người "sập bẫy" là cố tình chuyển khoản nhầm để lừa cho vay nặng lãi, đánh cắp thông tin nạn nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản…
Người nhận chuyển tiền nhầm cũng không được rút tiền này tiêu xài, cũng không nên đòi hỏi tiền hậu tạ khi chuyển hoàn cho bên chuyển nhầm vì có thể bị quy kết là tống tiền.
Ở phía người chuyển nhầm, cách tốt nhất cũng là liên hệ với ngân hàng để đề nghị ngân hàng hỗ trợ liên hệ với người nhận tiền, động viên họ trả lại. Trường hợp người nhận tiền không trả thì ngân hàng sẽ có văn bản thông báo xác nhận việc chuyển nhầm tiền. Khi đó, người chuyển tiền có thể tố cáo người nhận tiền với cơ quan công an hoặc khởi kiện lên tòa án.
Có 2 hình thức lừa đảo bằng chuyển khoản nhầm xuất hiện thời gian qua:
1. Bên lừa đảo nắm được thông tin về tên tuổi, số tài khoản và thông tin liên hệ của nạn nhân. Kẻ gian sẽ chuyển một số tiền nhỏ vào tài khoản của nạn nhân rồi đóng giả nhân viên ngân hàng/người chuyển nhầm/thậm chí là công an để gọi cho nạn nhân thông báo về việc chuyển nhầm và yêu cầu hoàn trả. Nếu nạn nhân "sập bẫy" cung cấp thông tin đăng nhập online banking cũng như mã OTP gửi về điện thoại, kẻ gian sẽ kiểm soát được tài khoản ngân hàng và nhanh chóng rút sạch tiền rồi tẩu tán.
Do đó, người dùng tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay Công an, họ không bao giờ cần các thông tin đó.
2. Cũng bằng hình thức chuyển khoản nhầm, kẻ gian sẽ chuyển khoản với nội dung cho vay tiền. Nếu người nhận không báo ngân hàng để chuyển lại thì sẽ có nhóm người tự xưng là bên chuyển đến để đòi nợ với khoản lãi cao.
Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.