BĐBP Thừa Thiên Huế khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Pa cô - Tà ôi năm 2024
Ngày 11/5, tại huyện A Lưới, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyện huyện A Lưới tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số Pa cô - Tà ôi năm 2024. Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính uỷ BĐBP tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo.
Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế, từ lâu, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng được mối đoàn kết gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới A Lưới.
Để đạt được mục tiêu đặt ra cho cán bộ BĐBP tỉnh công tác trên địa bàn này là phải "hiểu được đồng bào nói, nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin", trong nhiều năm qua, BĐBP tỉnh đã chủ động tổ chức mở nhiều lớp học tiếng dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi cho cán bộ Biên phòng đang công tác trên tuyến biên giới A Lưới.
Đây là một việc làm thiết thực nhằm vừa phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của BĐBP tỉnh, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh. Trong những năm vừa qua, để triển khai thành công Đề án 771 của Chính phủ về "Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025", BĐBP tỉnh đã phát huy tốt kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, mở thêm nhiều lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho các đồng chí chưa được học…
Trong thời gian học 6 tháng này, 30 học viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại các đơn vị Biên phòng trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào thuộc BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được học tập, bồi dưỡng những nội dung như: kiến thức cơ bản của ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; văn hóa, kinh tế - xã hội của đồng bào Pa cô - Tà ôi trên địa bàn huyện biên giới A Lưới; hệ thống nội dung các bài hội thoại theo chủ đề; trang bị cho học viên những kiến thức, sử dụng thành thạo các kỹ năng, nghe, nói, đọc, viết ngôn ngữ, tiếng nói của người dân địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trong quá trình học, các học viên sẽ được đi thực tế, hội thoại trực tiếp với người dân địa phương; tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số... Kết thúc khóa học, Ban tổ chức sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho các học viên đạt yêu cầu.
Phát biểu tại buổi khai giảng, Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Với phương châm "Ba bám, bốn cùng", việc sử dụng thành thạo tiếng đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP là rất quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chính vì vậy, các học viên tham gia lớp học cần khắc phục mọi khó khăn, tích cực nghiên cứu, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cho đồng bào các dân tộc. Góp phần thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc, văn hóa truyền thống ở địa phương nơi đóng quân.
Phương LoanNgày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão.