BĐS bán lẻ đã chính thức trở lại đường đua tăng trưởng
Theo Báo cáo Impacts 2025 của Savills, BĐS bán lẻ toàn cầu đang từng bước quay trở lại với một chu kỳ phục hồi rõ nét - nhưng không đồng đều. Trong đó, Việt Nam nổi bật như một thị trường năng động, với các tín hiệu hồi phục rõ rệt.
Trái với lo ngại rằng thương mại điện tử sẽ “thế chân” hoàn toàn loại hình bất động sản bán lẻ, thực tế cho thấy người tiêu dùng toàn cầu đang quay trở lại với cửa hàng như một điểm đến mua sắm, trải nghiệm và tương tác.
Báo cáo Impacts 2025 của Savills nhấn mạnh rằng các nhà bán lẻ trên toàn thế giới đang phục hồi tốt hơn kỳ vọng, với minh chứng rõ ràng từ thị trường Mỹ: lượt khách đến trung tâm thương mại năm 2024 đã tăng 1,5% so với năm trước và 7,3% so với giai đoạn trước đại dịch Covid - 19. Gần 80% tổng chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ vẫn được thực hiện tại các cửa hàng truyền thống, một tỷ lệ rất đáng kể trong thời đại số.
Tại Việt Nam, TP.HCM đang giữ vai trò đầu tàu trong tiến trình này. Trong quý I/2025, tổng nguồn cung bán lẻ tại thành phố đạt 1,6 triệu mét vuông, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước nhờ sự ra mắt của các dự án mới như Centre Mall Võ Văn Kiệt (Quận 6). Công suất thuê đạt mức ấn tượng 94%, phản ánh nhu cầu thực chất từ cả phía khách thuê lẫn người tiêu dùng. Dù có sự điều chỉnh nhẹ do sự gia nhập của các dự án mới có mức giá thấp, giá thuê trung bình tầng trệt vẫn đạt 1,4 triệu đồng/m2/tháng, tăng 9% theo năm.

Tại Hà Nội cũng ghi nhận mức giá thuê tầng trệt tăng mạnh 6% theo năm, riêng khu vực trung tâm tăng đến 37%. Công suất thuê đạt 86%, trong khi các hợp đồng mới ghi nhận xu hướng chuyển dịch khỏi ngành dịch vụ ẩm thực và đồ uống (F&B), vốn từng là lĩnh vực thống trị, sang thời trang, mỹ phẩm và cửa hàng tiện lợi.
Bà Trần Phạm Phương Quyên - Quản lý cấp cao, Bộ phận Cho thuê bán lẻ Savills chia sẻ: “Trong bối cảnh nhiều thương hiệu quốc tế đang cân nhắc thị trường Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế là dân số trẻ, năng động và theo đuổi xu hướng mua sắm, với mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn. Ngoài ra, chi phí lao động, xây dựng và kho bãi vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực, giúp các thương hiệu dễ dàng tối ưu hóa chi phí và đạt được tiềm năng lợi nhuận lớn hơn”.
Một thay đổi lớn về tư duy đầu tư đang diễn ra trong ngành: bán lẻ không còn là bất động sản cho thuê đơn thuần. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về trải nghiệm và thương hiệu, bất động sản bán lẻ giờ đây được xem là một loại tài sản vận hành - nơi cần sự kết hợp chặt chẽ giữa vận hành, công nghệ, thương hiệu thuê và hiểu biết sâu sắc về hành vi khách hàng. Trung tâm thương mại hiện đại cần được quản lý như một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ lựa chọn ngành hàng, dòng khách, thiết kế không gian đến chiến lược tiếp thị và tiện ích đi kèm. Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả vận hành và giá trị tài sản.
Bên cạnh đó, Quản lý cấp cao, Bộ phận Cho thuê bán lẻ Savills cho rằng trong vài năm tới, thị trường cho thuê bán lẻ sẽ chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ về chiều sâu tư vấn. Các chủ đầu tư và thương hiệu không còn đơn thuần tìm kiếm mặt bằng mà ưu tiên hợp tác với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, ứng dụng dữ liệu và công nghệ để tối ưu hoá hiệu quả vận hành và đàm phán.
Vì vậy, để phát triển trung tâm thương mại hiệu quả, cần chiến lược dài hạn, đồng bộ - từ thiết kế mặt bằng đạt chuẩn, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp đến triển khai truyền thông bài bản, biến dự án thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực.
Năm 2025, ngành bán lẻ trở lại đà tăng trưởng với cách tiếp cận mới, lấy trải nghiệm làm trọng tâm. Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, đang có lợi thế lớn nhờ dân số trẻ, hành vi tiêu dùng năng động và chi phí vận hành hợp lý - những yếu tố đủ sức thu hút các thương hiệu quốc tế trong giai đoạn tới.
Huyền My (t/h)
Đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết, tính đến ngày 18/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 7,14% so với cuối năm 2024.