Bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô

Chứng khoán
11:35 AM 16/07/2024

Tại Hội nghị sơ kết Bộ Tài chính diễn ra ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán (TTCK) là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế.

Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước cho biết: Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã trải qua nhiều phiên tăng giảm đan xen, nhìn chung tiếp tục xu hướng phục hồi so với năm 2023.

Bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô- Ảnh 1.

Điều này có được là nhờ công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo hiệu ứng tích cực đối với thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động chứng khoán và các giải pháp nâng hạng thị trường tích cực được triển khai khiến niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường dần khôi phục, đại diện UBCK cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, bệ đỡ quan trọng nhất của TTCK là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Hiện tượng các quỹ nước ngoài có sự điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư vừa qua là chuyện bình thường. Việt Nam vẫn tiếp tục giữ được kinh tế vĩ mô và sự phát triển hoạt động kinh doanh ổn định của doanh nghiệp niêm yết.

Đề cập về TTCK phát triển thời gian tới, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng Phòng Phân tích chiến lược, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng: Nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và phục hồi khá tốt. kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có sự cải thiện trong giai đoạn tới.

“Các ngành có thể ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng có thể kể đến như: Vật liệu xây dựng, hàng không, công nghệ thông tin, dầu khí… Tuy nhiên, giá cổ phiếu một số ngành đã phản ánh sự tích cực này nên cơ hội đã bị thu hẹp khá nhiều. 

Một số nhóm cổ phiếu có thể bứt phá trong những tháng cuối năm 2024 có thể là vật liệu xây dựng, hàng không, bất động sản khu công nghiệp. Thêm vào đó, việc tăng cường đầu tư công cũng sẽ là động lực không nhỏ với ngành này”, đại diện Công ty KIS Việt Nam nhận định.

Nhiều ý kiến cho rằng: Sự phục hồi của nền kinh tế là động lực chính giúp TTCK tiếp tục sự tăng trưởng từ nay tới cuối năm. Nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của TTCK, thời gian tới, UBCK sẽ hoàn thiện khung pháp lý về chính sách phát triển thị trường, trong đó tập trung rà soát Luật Chứng khoán, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tích cực, chủ động trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn và các thành viên thị trường để triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra. Hướng tới mục tiêu thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam.

Minh An
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.