Bên cạnh các biện pháp Chính phủ đưa ra, đây là yếu tố giúp Việt Nam thành công với chống dịch Covid-19

Sức khỏe
03:33 PM 30/03/2021

Tại buổi họp báo phát động Chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng "Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards" năm 2021 do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức sáng ngày 30/3, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: "Cách mạng 4.0 đã và đang tác động ngày càng mạnh đến không chỉ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn cả chính trị, quốc phòng, an ninh".

Theo đó, ông Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, Bộ Y tế đã triển khai rất nhiều nội dung cũng như đạt được rất nhiều kết quả đáng trân trọng. Cụ thể, 10 nội dung nổi bật mà Bộ Y tế đã và đang triển khai bao gồm:

Thứ nhất, xây dựng nhiều văn bản, góp phần hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý, làm cơ sở cho chuyển đổi số trong ngành công nghệ thông tin.

Thứ hai, triển khai cổng dịch vụ Bộ Y tế vào năm 2019 và đến 30/6/2020, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.

Thứ ba, triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước, triển khai đến tất cả đơn vị trực thuộc bộ, tích hợp với các sở y tế.

Thứ tư, triển khai cổng thông tin kê khai y tế là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, sản phẩm chẩn đoán, khám chữa bệnh niêm yết… Ông Tuyên nói thêm, khi Bộ Y tế triển khai Telehealth - khám chữa bệnh từ xa, tại buổi lễ phát động, Thủ tướng đã đến dự và phát biểu: "Không để người dân mù mờ về các dịch vụ y tế".

Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện được đẩy mạnh. Hiện nay, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Ngoài ra, 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim…

Thứ sáu, Bộ Y tế phối hợp cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông cơ sở khám chữa bệnh nhà nước với cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Đến nay, khoảng 95% cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước kết nối thành công với hệ thống giám định bảo hiểm xã hội Việt Nam.

"Việc kết nối này đã giảm rất nhiều thủ tục hành chính trong vấn đề thanh quyết toán bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan BHXH. Ngoài ra, điều này cũng đảm bảo công khai, minh bạch trong vấn đề các bệnh nhân được khám, chữa bệnh, được hưởng thụ các dịch vụ này", Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.

Thứ bảy, xây dựng hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa và kết nối trong ngành y tế. Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.

Thứ tám, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử.

Thứ chín, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế, hình thành nền tảng quản lý – kết nối – chia sẻ dữ liệu V20. "Trước đây, do tiến trình phát triển của công nghệ thông tin nên lúc đầu, chúng ta chỉ có một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này. Bây giờ thì có rất nhiều", Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Hiện, Bộ Y tế đang đưa ra một hệ thống để có thể tích hợp được tất cả các mạng lưới này. Những hồ sơ điện tử có thể do Viettel hay VNP triển khai, nhưng đều phải được kết nối với nhau thành một hệ thống V20.

Thứ trưởng Tuyên cho biết: "Như vậy, giả sử người dân ở Hà Nội nhưng vào TP. HCM khám chữa bệnh, chỉ cần khai tên, tuổi là có thể truy cứu được để xem được hồ sơ sức khỏe trong suốt quá trình khám, chữa bệnh từ trước đến nay như thế nào. Tới đây, người ta sẽ biết lịch sử bệnh án của người dân để đưa ra chẩn đoán chính xác. Hiện nay, tôi thấy các đơn vị y tế đang sử dụng rất nhiều dịch vụ mạng. Do vậy, việc tích hợp lại là vấn đề cần thiết để Bộ Y tế làm trong thời gian tới".

Cuối cùng, triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, điển hình như phần mềm khai báo điện tử ‎NCOVI, khai báo bắt buộc Bluezone…

Theo đại diện Bộ Y tế, đơn vị này đang nghiên cứu từng bước xây dựng đề án về hộ chiếu vaccine. "Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa rồi, thành công của Việt Nam được như ngày hôm nay, bên cạnh các biện pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra, còn có một giải pháp đó là trong vấn đề khai báo, truy vết. Như vậy, chúng ta thành công ngày hôm nay là nhờ đóng góp rất lớn của công nghệ thông tin".

Thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp để triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng hình thành đề án về hộ chiếu vaccine. Bản chất của hộ chiếu vaccine là giấy chứng nhận khi người dân đã tiêm đủ các mũi vaccine theo quy định. Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu về thời gian, giá trị hiệu lực của vaccine như thế nào, khi nào được cấp lại…

Anh Vũ
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.