Bệnh "bác sĩ Google": Đừng để thói quen tra cứu này "giết chết" sức khoẻ của bạn!
"Bác sĩ Google" hay còn được biết đến với là tình trạng có bệnh thì tra google đang dần hủy hoại sức khỏe của nhiều người.
Thời đại công nghệ 4.0, khi các thông tin về sức khỏe được tìm thấy mọi nơi. Hậu quả là những thông tin lan tràn trên mạng khiến nhiều người sa đà vào việc tra cứu các vấn đề sức khỏe không được kiểm chứng rõ ràng và trở thành nạn nhân của con dao hai lưỡi này.
Không thể phủ nhận việc tìm hiểu các kiến thức về sức khỏe là một thói quen tốt, giúp bạn dự phòng trong các trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ chẳng hạn như có người bị đuối nước, đột quỵ, say nắng, bỏng nhiệt,... cần sơ cứu khẩn cấp.
Thế nhưng, mặc dù tra cứu thông tin, các kiến thức về sức khoẻ là một điểm khởi đầu tốt, nhưng nó không phải là câu trả lời cuối cùng để chẩn đoán các triệu chứng sức khoẻ của bạn.
Trên Healthline đã dẫn một câu chuyện từ một vị bác sĩ như thế này:
Gần đây tôi có một bệnh nhân tới khám và cô ấy cho rằng mình đang mắc bệnh u não với dấu hiệu ban đầu là mệt mỏi. Lúc đầu cô ấy cho rằng bản thân mệt mỏi là do cô ấy phải vật lộn chăm sóc 2 đứa trẻ cùng một lúc và không có thời gian nghỉ ngơi hay ngủ một giấc thoải mái; hoặc đơn giản là do cô ấy thức khuya để xem điện thoại và lướt mạng xã hội.
Một đêm nọ, khi đang ngồi trên ghế cô ấy bỗng cảm thấy kiệt sức và ngay lập tức cô ấy đã tìm kiếm cụm từ "mệt mỏi kiệt sức là dấu hiệu của bệnh gì?", "mệt mỏi kiệt sức điều trị tại nhà",... Kết quả tìm kiếm dẫn tới các thông tin liên quan tới bệnh u não. Cô ấy bừng tỉnh và gọi tới phòng khám của tôi vào ngày hôm sau để đặt lịch khám trong tuần tới.
Trong thời gian chờ đợi, cô ấy không ăn, không ngủ, lúc nào cũng cảm thấy bồn chồn, lo lắng và mất tập trung nghiêm trọng. Đồng thời cô ấy cũng không quên tìm kiếm các thông tin trên Google về các triệu chứng của khối u não khi cho rằng cô ấy đang xuất hiện thêm các triệu chứng khác.
Cuối cùng cũng tới thời điểm diễn ra cuộc hẹn, cô ấy liên tục nhấn mạnh rằng cô ấy đang có một khối u não và liệt kê một loạt danh sách các xét nghiệm mà cô ấy cần phải làm. Khỏi phải nói, hàng tá các xét nghiệm này tốn kém ra sao, nhưng, quan trọng nhất đó là kết quả kiểm tra cho thấy, không có khối u não nào cả. Thay vào đó, từ xét nghiệm máu của bệnh nhân thì cô ấy bi thiếu máu nhẹ.
Sau đó tôi đã kê các loại thuốc bổ sung sắt kèm theo hướng dẫn chế độ ăn và luyện tập phù hợp. Cô ấy làm theo và cho biết đã cảm thấy bớt mệt mỏi ngay sau đó.
Google chứa một lượng lớn thông tin nhưng thiếu sự chọn lọc
Câu chuyện trên đây không phải là một tình huống hiếm gặp. Có rất nhiều người gặp phải một cơn đau hay một phản ứng bất thường nào đó sẽ tìm kiếm thông tin trên Google.
Vấn đề là, mặc dù Google là một kho thông tin khổng lồ nhưng lại thiếu đi sự thẩm định, kiểm tra từ các cơ sở y tế hay bác sĩ, chuyên gia uy tín bởi một chẩn đoán được đưa ra không chỉ dựa vào triệu chứng mà còn cần kiểm tra tiền sử sức khoẻ cá nhân, gia đình, thăm khám cận lâm sàng,...
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, những người truy cập quá nhiều vào các trang web y học trên mạng Internet có thể sẽ bị mắc một hội chứng có tên là "cyberchondria". Hội chứng này khiến người bệnh tự chẩn đoán sai về sức khỏe của mình, từ đó tìm kiếm những biện pháp chữa trị không cần thiết.
Ngoài ra, còn có vấn đề liên quan tới độ tin cậy của website mà bạn đang đọc thông tin với những triệu chứng được chẩn đoán dễ dàng, miễn phí,... chỉ bằng một cú nhấp (click) chuột.
Sử dụng Google để tìm kiếm các chủ đề về sức khỏe không phải lúc nào cũng là điều xấu
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc sử dụng Google để tìm kiếm các chủ đề về sức khoẻ không phải lúc nào cũng là một điều xấu. Cuộc khảo sát từ Pew cho thấy nhưng người tự học, tự tìm kiếm và chọn lọc các thông tin sức khoẻ y tế từ Internet có nhiều khả năng được điều trị tốt hơn.
Đôi khi, việc sử dụng Google để tìm kiếm thông tin có thể giúp bạn đưa ra những quyết định tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Chẳng hạn như câu chuyện dưới đây:
Một người đang ngồi trên ghế xem phim bỗng nhiên cảm thấy đau nhói bên hông. Ban đầu anh ta nghĩ rằng có thể do anh ta đã ăn phải thứ gì đó không sạch sẽ nhưng khi cơn đau không biến mất, anh ta bắt đầu tìm kiếm trên Google.
Google trả ra các kết quả rằng có thể đây là dấu hiệu của viêm ruột thừa. Thêm một vài cú nhấp chuột nữa, anh ta đã tìm ra được các kiểm tra tại nhà để chắc chắn rằng mình có cần tới bệnh viện ngay lập tức hay không, đó là dùng tay ấn vùng bụng dưới xem cơn đau có hết khi thả tay ra không.
Kết quả là cơn đau của anh ta vẫn tiếp tục. Lúc này, bệnh nhân đã liên hệ với bệnh viện để được kiểm tra. Thật may rằng anh ta đã tới bệnh viện sớm và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa ngay lập tức.
Hãy coi Google như một điểm khởi đầu cho câu hỏi chứ không phải là câu trả lời cuối cùng!
Bạn cần nhớ rằng, Google không phải là một nguồn đáng tin cậy nhất để kiểm tra các triệu chứng mà bạn đang gặp phải.
Đừng trì hoãn sự chăm sóc y tế thực sự đến từ các chuyên gia y tế, những người đã có nhiều năm đào tạo, kinh nghiệm dày dặn. Tất nhiên, việc chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 nên rất khó để ngăn cản hay đưa ra một lý do có thể thuyết phục được tất cả liên quan tới tra cứu thông tin y tế trên Google. Tuy vậy thì việc bạn tìm kiếm, đưa ra một loạt các câu hỏi rồi liên hệ với bác sĩ để các mảnh ghép này được ghép lại với nhau nên là một nguyên tắc bất di bất dịch.
Dự án Dr.Green ra đời với chuỗi chuyên đề được tư vấn và thẩm định từ các chuyên gia sức khoẻ đầu ngành, mang tới cho độc giả nguồn thông tin uy tín cùng với các tuyến livestream trực tuyến giải đáp các thắc mắc của người xem sẽ giúp nhiều người đang gặp các trăn trở về sức khoẻ của bản thân.
Còn chần chừ gì nữa, chuyện khó đã có bác sĩ lo. Hãy để lại thông tin để nhận được những tin tức mới nhất từ Dr Green ngay TẠI ĐÂY!
Kim Phụng
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.