Tỏa rạng giá trị Việt Nam trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19
Dân tộc Việt Nam đã và đang cùng nhân loại chiến đấu kiên trung chống đại dịch Covid-19, nhằm bảo vệ sự sống và các giá trị tốt đẹp vì con người, cho con người. Sức mạnh để có thể chiến thắng chung cuộc lần này không phải vũ khí hạt nhân, hay tiền bạc, của cải, mà chính là trí tuệ và bản lĩnh được kết nối, hội tụ bởi lòng yêu thương con người, quý trọng cuộc sống và sự an lành cho nhân gian.
Hồi ức hùng thiêng sông núi Đại Việt
Người xưa có câu “Ôn cố tri tân” (nhớ lại chuyện xưa để biết vận dụng vào hiện tại). Dân tộc ta vốn có truyền thống tiếp biến lịch sử một cách độc đáo, bồi đắp những giá trị linh thiêng ngày một giàu hơn kho báu tinh thần dựng nước và giữ nước.
Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thắng lợi, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần hành lễ bái yết tại Chiêu Lăng (Lăng vua Trần Thái Tông). Nhìn con ngựa đá lấm bùn, ông xúc cảm bật lên bài thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng).
Đó là một khúc tráng ca lịch sử giữ nước của Đại Việt ở thế kỷ XIII, tiếp nối mạch nguồn cơn sóng lớn Bạch Đằng Giang và hào khí trên sông Như Nguyệt, làm nguồn cảm hứng lịch sử cho Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa, Điện Biên Phủ, đại thắng mùa Xuân 1975. Tinh thần ấy một lần nữa lại được người đứng đầu Đảng, Nhà nước hiệu triệu: Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!
Đó là mệnh lệnh của trái tim, của lương tri, phẩm giá vì sự an lành của dân tộc và nhân loại, theo đó, toàn thể dân tộc Việt Nam đã nêu cao ý chí, trí tuệ, làm tỏa rạng những giá trị cao đẹp của một dân tộc giàu lòng yêu nước, thương nòi, sống nhân ái, bao dung với cả cuộc đời chung, đúng như Nguyễn Đình Thi đã khắc họa chân dung Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Tất cả vì sự sống an vui cho con người
Cách nay 75 năm, trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc lại tinh thần của hai bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên từ Mỹ và Pháp, trước tiên là quyền sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc của con người. Từ “chủ nghĩa yêu nước chân chính” làm hành trang tinh thần lịch sử vô giá, sau 30 năm khảo sát, dấn thân vào đấu tranh cách mạng trong phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận, lĩnh hội các giá trị sống có tính phổ quát của nhân loại, lựa chọn đúng hướng đi của sự nghiệp cách mạng tranh đấu giải phóng con người gắn liền với giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc. Ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Nguyễn Ái Quốc đem về soi rọi cho đồng bào mình, tích tụ thành nguồn lực khởi nguyên cho tinh thần dân tộc, nền tảng tư tưởng của Đảng, điểm tựa cho dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác trong suốt 9 thập kỷ đã qua.
Giá trị tinh thần đó đã được Đảng coi là nhân lõi, khâu nối thống nhất trong nhận thức và hành động vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng chung của nhân loại. Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được Đảng phát động dựa vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào khát vọng sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc của con người. Cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai là mẫu mực về tinh thần tự lực, tự cường của một dân tộc mới được hồi sinh. Tiếp nối là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm đã cho thấy con người Việt Nam biết chiến đấu, dám hy sinh để bảo vệ phẩm giá, đánh thức lương tri con người, cổ vũ nhân loại vùng lên đấu tranh chống áp bức, cường quyền. Thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước hơn 30 năm qua của Việt Nam một lần nữa cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhạy bén, quyết đoán “tự cứu mình trước khi trời cứu”, đưa đất nước vượt qua vòng xoáy đại khủng hoảng chính trị thế giới. Diện mạo, cơ đồ đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được như hiện nay chính là nhờ vào sự hội tụ các giá trị văn hóa, lẽ sống cao đẹp từ nghìn đời nay.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay là cuộc chiến chống loại “giặc” vô hình, sự công phá của nó không chỉ cướp đi sự sống con người mà còn là thách thức đối với trí tuệ, tinh thần của hệ thống chính trị và toàn dân. Nếu không đủ sức chiến thắng đại dịch thì không chỉ bị sụp đổ kinh tế, mà còn xói mòn lòng tin và gây rối loạn xã hội, bất ổn chính trị, đe dọa an ninh quốc gia. Những gì mà Việt Nam đã và đang làm được kể từ khi dịch bùng phát đến nay đã được dư luận thế giới đánh giá như một hiện tượng hy hữu, người ta nói nhiều đến sức mạnh của hệ thống chính trị, đến thành công của công tác tư tưởng, đã biết khơi dậy nhiều giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Một lần nữa, Việt Nam như “ngọn hải đăng” của thử thách lịch sử. Sau cơn đại hồng thủy dịch bệnh lần này, chắc chắn thế giới sẽ tốn nhiều thời gian và công sức để tổ chức lại cuộc sống, để đúc rút kinh nghiệm. Ở Việt Nam, có một điều dường như bất di bất dịch, là chìa khóa cho đại thắng dịch Covid-19 vẫn là tư tưởng trọng dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Tình người sưởi ấm lòng người
“Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”, đó là sự tâm niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, cống hiến cho dân, cho nước và đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại. Sau 50 năm Người từ biệt thế giới này để ra đi vào cõi vĩnh hằng gặp các cụ Các Mác, Lênin và các bậc tiền bối khác, lẽ sống của Hồ Chí Minh tiếp tục là nguồn cảm hứng cho dân tộc ta trong các lần chinh phục đỉnh cao lịch sử.
“Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa” - lời thơ của Tố Hữu đã khắc họa chân dung Hồ Chí Minh, đồng thời cũng gián tiếp phản ánh giá trị nhân văn, nhân ái, thương người như thể thương thân của người Việt Nam. Trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, dân tộc ta đã có trăm nghìn cách biểu thị lòng người Việt Nam quyết chiến cho tương lai.
Nhớ lại những ngày đầu nước nhà mới giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ, vận mệnh dân tộc rơi vào thế “nghìn cân treo sợi tóc”, bằng tấm lòng vàng với Đảng, với Bác Hồ, đồng bào ta đã quyên góp, ủng hộ biết bao vàng bạc, tiền của phục vụ kháng chiến kiến quốc. Mùa Đông năm 1946, nghe theo lời hịch non sông, đồng bào Thủ đô và đồng bào cả nước đã dỡ nhà, khuân đồ đạc chất lũy chặn đường quân xâm lăng, hàng triệu người đủ mọi giai tầng xã hội bước vào cuộc trường chinh vệ quốc như chiến binh cảm tử. Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tinh thần Việt Nam xẻ núi, băng rừng, thần tốc đánh sập chiến lũy cuối cùng của kẻ thù.
Liên hệ với nay, ta thấy hiển hiện bóng oai hùng lịch sử trong đội quân áo trắng, áo xanh, áo vàng, áo nâu, từ người già gương mẫu đến người trẻ tiên phong, toàn hệ thống chính trị và muôn dân đều nhất quyết một lòng mau chóng đẩy lùi đại dịch. Thủ đô Hà Nội vẫn tỏ rõ là nơi lắng sâu hồn thiêng sông núi, vững chãi làm chốt chặn tiền tiêu đánh vào tử huyệt đại dịch. Thành phố mang tên Bác kính yêu đã và đang cho thấy hừng hực khí thế “thần tốc” làm nên đại thắng để loại bỏ “giặc” Covid-19. Các địa phương khác thực sự là những pháo đài bất khả chiến bại.
Những ngày đông lạnh lẽo u tối rồi sẽ qua đi, ánh dương soi rạng cho sự sống chắc chắn đang hé rạng, “ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.
Theo Hà Nội mới
Vừa qua, tại TP.HCM, ông Trần Hoàng - Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam đã được vinh danh và trao giải Cống hiến tại Giải thưởng Vạn Xuân Awards 2024 - Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam.