Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa: Nối thành công bàn tay đứt rời cho nữ bệnh nhân
Mới đây, các bác sĩ khoa Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nối bàn tay phải bị đứt rời cho nữ bệnh nhân bị tai nạn sinh hoạt. Đây là ca bệnh nối chi thể đứt rời thứ 5 được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Bệnh nhân bị tai nạn là bà P.T.L (54 tuổi, Thị Trấn Bút Sơn, Hoằng Hóa). Theo người nhà bệnh nhân, trong lúc đang cầm dao để làm việc (loại dao chặt sắc và kích thước lớn), bệnh nhân bị trượt chân ngã, bàn tay phải chống mạnh vào dao gây đứt đôi, máu chảy rất nhiều. Sau đó, bệnh nhân được sơ cứu tại chỗ và chuyển đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, ý thức hoảng loạn, bàn tay phải đứt xương khối xương cổ tay phải, đứt mạch máu trụ quay, đứt thần kinh giữa, đứt thần kinh trụ, đứt gân gấp ngón 2,3,4,5 bàn tay phải và có bệnh nền đái tháo đường type 2.
Nhận định đây là ca bệnh tổn thương rất phức tạp có nguy cơ cao phải cắt cụt bàn tay phải bị đứt rời, ê kip các bác sỹ nối chi thể của khoa Chỉnh hình - Bỏng, Gây mê hồi sức và các chuyên khoa liên quan được mời hội chẩn khẩn cấp. Bệnh nhân nhanh chóng được làm đầy đủ các loại xét nghiệm cần thiết và chuyển về phòng phẫu thuật cấp cứu ngay trong buổi trưa.
Tại phòng mổ các bác sỹ đã tiến hành rửa, cắt lọc sạch vết thương, nối cung động mạch gan tay nông và nối cung động mạch gan tay sâu, nối thần kinh giữa và thần kinh trụ vi phẫu, nối gân gấp nông và gân gấp sâu ngón 2 3 4 5 bằng kính vi phẫu, nắn chỉnh ổ gãy khối xương cổ tay phải về vị trí giải phẫu, kết hợp xương khối xương cổ tay phải.
Sau hơn 6 giờ phẫu thuật căng thẳng, ê-kip các bác sỹ đã phục hồi toàn bộ giải phẫu, khâu nối gân cơ, các mạch máu và thần kinh cho bàn tay đứt lìa của bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu.
Ngày thứ 10 sau mổ, toàn trạng bệnh nhân đã phục hồi tốt, lượng máu trở lại bình thường, huyết động ổn định; tại chỗ vết nối khô, tay nối của bệnh nhân phục hồi tốt, bàn tay phải hồng ấm có cảm giác, ngón tay cử động nhẹ nhàng và hồi lưu tốt, tiên lượng diễn biến thuận lợi. Để kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2 của bệnh nhân, các bác sĩ đã cân nhắc và chỉ định phác đồ thuốc phù hợp.
Sau 2 tuần phẫu thuật nối bàn tay, các bác sỹ tiếp tục thực hiện thêm 1 lần phẫu thuật vá da với diện tích 10cm2 tại phần nối bị khuyết da cho bệnh nhân. Hiện tại, sau 3 tuần điều trị, bàn tay nối của bệnh nhân phục hồi tốt, cử động gấp duỗi ngón tay và được xuất viện vào ngày 12/11. Thời gian tới bệnh nhân sẽ được các bác sỹ hướng dẫn các bài tập luyện phục hồi chức năng để đảm bảo phần bàn tay nối có thể phục hồi lại gần như ban đầu các chức năng vận động.
BSCKII Hoàng Tuấn Long, Phó trưởng Khoa Chỉnh hình - Bỏng, Trưởng kíp phẫu thuật cho biết đứt rời tay hoặc chân là các tổn thương nặng không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà còn ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh sau này. Vì vậy, việc triển khai và ứng dụng thành công kỹ thuật nối chi thể đứt rời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã mang lại kết quả rất tích cực, trao hy vọng cho nhiều trường hợp không may đứt rời chi thể trong quá trình lao động, sinh hoạt được phẫu thuật cấp cứu kịp thời ngay tại địa phương, giảm bớt di chứng nặng nề cho người bệnh, giúp họ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, phẫu thuật nối ghép mạch máu, thần kinh, chi thể đứt rời được đánh giá là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên sâu, đôi tay thật khéo léo và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa. Bên cạnh đó, bác sĩ phẫu thuật còn phải am hiểu về quá trình đông máu, huyết động học, cấu trúc mạch máu… để tránh các biến chứng có thể xảy đến trong quá trình phẫu thuật.
PVKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.