
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ
Ngọn cờ đầu ngành Y tế ĐBSCL
Với vai trò là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế ở khu vực miền Tây Nam bộ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên và giúp người dân được điều trị chất lượng cao ngay tại địa phương, không cần chuyển lên TP.HCM. Nhân kỷ niệm 20 năm, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị có cuộc trao đổi với BSCKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện về những thăng trầm của bệnh viện từ ngày thành lập đến nay.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, tháng 5/2005, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ ký quyết định chuyển giao Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ về cho Bộ Y tế và đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Trải qua 20 năm thăng trầm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã có những cột mốc lịch sử đáng nhớ nào, thưa Bác sĩ?
BSCKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ
BSCKII Phạm Thanh Phong: Ngày 12/5/2005, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1694/QĐ-BYT chính thức đổi tên Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ thành Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ do Bộ Y tế quản lý. Trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, bệnh viện đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, có thể kể đến một số cột mốc đáng nhớ như sau:
Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Vào những ngày cuối tháng 9/2007, giữa lúc bệnh viện đang tất bật di dời về địa điểm mới (địa điểm hiện tại trên đường Nguyễn Văn Linh) thì xảy ra thảm họa kinh hoàng: Sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Công tác di dời ngay lập tức được dừng lại, tất cả tập trung cho công tác cấp cứu người bệnh. Trong thảm họa đó, Bệnh viện đóng vai trò đầu tàu trong việc sàng lọc, tiếp nhận điều trị và cấp cứu người bệnh. Công tác điều hành, phân loại bệnh nhân được đảm bảo thông suốt, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại.
Phát triển chuyên môn vượt bậc - Trung tâm ghép thận thành công đầu tiên tại khu vực ĐBSCL: Bệnh viện đã vươn lên trở thành trung tâm y tế hàng đầu, chuyên sâu của khu vực ĐBSCL, thực hiện thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu mà trước đây chỉ có thể thực hiện tại các bệnh viện tuyến Trung ương ở TP.HCM hay Hà Nội. Các kỹ thuật như: Can thiệp mạch vành (tim), can thiệp mạch não, mạch các tạng và mạch ngoại vi, phẫu thuật tim, đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn, cắt đốt điện sinh lý điều trị rối loạn nhịp tim, bít dù điều trị thông liên nhĩ, phẫu thuật nội soi ổ bụng, khớp, ghép tạng, hồi sức cấp cứu, kỹ thuật ECMO… Các kỹ thuật cao chuyên khoa sâu ngày càng hiện đại theo sự phát triển của y học trên thế giới đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị cho người dân.
Phát triển chuyên môn vượt bậc - Trung tâm ghép thận thành công đầu tiên tại khu vực ĐBSCL
Ngày 25/4/2024, đánh dấu cột mốc quan trọng phát triển chuyên môn bệnh viện, ca ghép thận thành công đầu tiên tại khu vực ĐBSCL đã được thực hiện tại bệnh viện dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 9 trường hợp ghép thận, đem lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
Chú trọng đào tạo đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao: Bệnh viện không ngừng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Nhiều bác sĩ được tu nghiệp nước ngoài, trở thành chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực (Phẫu thuật cột sống, CTCH...). Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Với vai trò là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế ở khu vực Tây Nam Bộ, bệnh viện đã góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên và giúp người dân được điều trị chất lượng cao ngay tại địa phương, không cần chuyển lên TP.HCM. Việc này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh như giảm chi phí điều trị, đi lại, ít ảnh hưởng công việc của người bệnh và thân nhân, góp phần làm giảm quá tải ở bệnh viện tuyến trên.
Phóng viên: Là bệnh viện đứng đầu khu vực với hơn 1.000 giường, 1500 nhân viên y tế, chăm sóc sức khỏe cho 20 triệu người… Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã đầu tư và phát triển như thế nào suốt 20 năm qua, thưa Bác sĩ?
BSCKII Phạm Thanh Phong: Bệnh viện liên tục được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn quốc tế từ nguồn NSNN và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Điều này tạo điều kiện tốt hơn cho cả chẩn đoán và điều trị nhằm đảm bảo tốt việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo NQ số 20 của BCH TW Đảng khóa XII và NQ số 46 của Bộ chính trị.
Về lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất: bệnh viện đã đưa vào hoạt động Khối nhà 4 tầng từ nguồn vốn phục hồi kinh tế xã hội và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp với tổng diện tích xây dựng hơn 3200m2, mở rộng khoa Đột quỵ, Tim mạch can thiệp, phòng mổ và khu vực hồi sức ngoại khoa, với gần 100 giường bệnh góp phần giảm bớt tình trạng quá tải tại bệnh viện.
Ê-kíp phẫu thuật cột sống cổ cho bệnh nhân
Về lĩnh vực đầu tư mua sắm TBYT phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị: Bệnh viện luôn tranh thủ các nguồn vốn từ NSNN và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tăng cường công tác đầu tư mua sắm các trang TBYT chuyên sâu, hiện đại như hệ thống DSA, MRI, CT đa lát cắt, hệ thống Phẫu thuật nội soi, máy ECMO, lọc máu liên tục...góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Kinh tế y tế cũng là một thành tựu nổi bật trong 20 năm thành lập và phát triển Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Từ đơn vị chỉ đảm bảo một phần chi thường xuyên, Bệnh viện đã vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên vào năm 2017, đảm bảo nguồn thu hàng năm luôn đạt và vượt dự toán Bộ Y tế giao, đời sống nhân viên ngày càng được cải thiện. Ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nguồn thu và chế độ cho người lao động vẫn luôn được đảm bảo. Doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Doanh thu hiện tại khoảng 1.870 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với thời điểm mới thành lập. Thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng từ 15% đến 20% mỗi năm.
Tinh thần phục vụ người bệnh: Dù phát triển nhanh, bệnh viện vẫn giữ được tinh thần "Lấy người bệnh làm trung tâm", cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Bệnh viện luôn được người dân tín nhiệm cao, (BV luôn quá tải từ 150-180% theo kế hoạch). Niềm tự hào nhất có lẽ không chỉ là những con số hay thành tích, mà là sự tin tưởng của người dân suốt 20 năm qua - đó chính là thành quả lớn nhất mà tập thể bệnh viện luôn gìn giữ và trân trọng.
Phóng viên: Riêng về lĩnh vực trang thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ luôn đi đầu xu thế. Hàng năm, nhiều thiết bị y tế hiện tại nhất trên thế giới đều được bệnh viện mua sắm về trang bị cho các khoa để chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Quan điểm của Bác sĩ về việc đầu tư này như thế nào?
BSCKII Phạm Thanh Phong: Từ những ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, bệnh viện đã từng bước xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ, lấy công nghệ làm nền tảng để nâng tầm chuyên môn. Mỗi năm, bệnh viện đều dành ngân sách lớn cho việc đầu tư thiết bị y tế hiện đại, từ các máy chẩn đoán hình ảnh tiên tiến như máy cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla, máy CT scan đa lát cắt, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA (một bình diện, hai bình diện), đến các thiết bị can thiệp chuyên sâu trong phẫu thuật tim mạch, nội soi tiêu hóa, phẫu thuật nội soi 3D, phẫu thuật ghép tạng...
Bệnh viện cũng chú trọng đầu tư vào các thiết bị hồi sức cấp cứu (ECMO, tăng số lượng máy thở hàng năm), máy lọc thận, xét nghiệm tự động, hệ thống theo dõi bệnh nhân và công nghệ thông tin y tế, đáp ứng xu thế chuyển đổi số trong ngành y tế.
Nhờ sự đầu tư bài bản và liên tục này, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ không chỉ nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị mà còn trở thành trung tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến trước trong khu vực.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào trang thiết bị y tế hiện đại mang tính chiến lược lâu dài, đây không chỉ là một sự đầu tư về vật chất mà còn là sự đầu tư cho chất lượng khám, chữa bệnh và cho niềm tin của người dân.
Trang thiết bị y tế tiên tiến giúp bệnh viện chẩn đoán chính xác hơn, can thiệp kịp thời và điều trị hiệu quả hơn. Đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao như hồi sức cấp cứu, phẫu thuật tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, những máy móc hiện đại có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong kết quả điều trị.
Ngoài ra, việc cập nhật công nghệ mới cũng giúp đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới. Đây cũng là yếu tố góp phần nâng cao uy tín của bệnh viện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phóng viên: Với sự lớn mạnh không ngừng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngoài việc xử lý thành công các ca bệnh khó, hiếm gặp còn cung cấp hàng loạt dịch vụ y tế cộng đồng chất lượng cao. Xin Bác sĩ điểm qua những dịch vụ y tế nổi bật mà bệnh viện đang cung cấp?
BSCKII Phạm Thanh Phong: Bên cạnh việc phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, điều trị thành công các ca bệnh khó, bệnh nặng, bệnh hiếm gặp, bệnh viện cũng rất chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ y tế liên quan đến cộng đồng, cụ thể:
Công đoàn cơ sở, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên luôn duy trì hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc từ thiện tại các xã vùng khó khăn. Trong năm 2024 đã thực hiện được 05 đợt khám chữa bệnh từ thiện, tổng số bệnh nhân khoảng 1.500 lượt.
Hoạt động công tác xã hội luôn được chú trọng, công tác vận động hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn luôn được bệnh viện quan tâm. Bệnh viện luôn duy trì nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, hỗ trợ kịp thời những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2024, tổng số tiền vận động hỗ trợ cho bệnh nhân khó khăn hơn 6,3 tỷ đồng.
Các hoạt động chuyên môn như khám sức khỏe định kỳ tầm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch, đột quỵ... hoạt động tiêm chủng và phòng bệnh luôn được bệnh viện chú trọng.
Hoạt động hiến máu tình nguyện luôn được duy trì, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn hiến máu của NVYT bệnh viện đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì nguồn máu điều trị cho bệnh nhân
Trong thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã đề ra mục tiêu Đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng đặc biệt theo TT 06/2024/TT-BYT, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai các kỹ thuật y tế tiên tiến.
Song song đó, Bệnh viện cũng phát triển kỹ thuật ghép tạng: Với sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy đến nay Bệnh viện đã ghép thận được 9 bệnh nhân đạt kết quả tốt. Bệnh viện đang tích cực xây dựng lộ trình phát triển kỹ thuật ghép gan, với kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2025 – 2027 dưới sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Bệnh viện cũng thành lập và mở rộng các đơn vị chuyên sâu: Khoa nhi - sơ sinh thuộc khoa sản, phẫu thuật tim nhi, thành lập trung tâm nội soi... nhằm mở rộng phạm vi và chất lượng dịch vụ y tế với mô hình bệnh viện đa khoa, phát triển kỹ thuật chuyên sâu toàn diện. Ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo: Bệnh viện hướng đến việc tích cực ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào công tác chẩn đoán và điều trị, nhằm nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong chăm sóc bệnh nhân.
Bệnh viện cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, giữ vững các mối quan hệ hợp tác quốc tế cũ như Đoàn Impact Health hỗ trợ tim mạch, phẫu thuật tim. Đoàn IEP, Đoàn Thụy Sỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... và các đối tác mới đến từ nhiều quốc gia khác.
Hiện nay, Bệnh viện đã có kế hoạch mở rộng và sửa chữa nâng cấp bệnh viện: Bệnh viện đã có kế hoạch mở rộng thêm 3,4 hecta theo chủ trương của thành phố và Bộ Y tế. Sẵn sàng, chủ động có kế hoạch tiếp nhận, vận hành, đưa vào hoạt động BV Chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần thơ (là một Trung tâm của BV Trung ương Cần Thơ) khi có quyết định của chính phủ. BV có kế hoạch sửa chữa khu tầng trệt, sảnh khoa cấp cứu, khuôn viên công viên bệnh viện, xây lắp thang máy nhân viên y tế...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông cuộc trao đổi này!
Hồng Ân (T/h)