BHXH TP Hà Nội 28 năm góp phần thực hiện an sinh xã hội
Trong hành trình 28 năm xây dựng và phát triển (1995 - 2023), BHXH TP Hà Nội luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ mở rộng lưới an sinh, chăm lo cho các đối tượng thụ hưởng; đồng thời không ngừng cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Những nỗ lực đó đã góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần hơn với người dân, trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Toàn thành phố hiện nay có hơn 1,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm 42% lực lượng lao động trong độ tuổi, số người tham gia BH thất nghiệp đạt hơn 1,9 triệu người, chiếm 38,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Chính sách BHXH tự nguyện hướng tới người nông dân, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức cũng từng bước đi vào đời sống. Đến nay, đã có hơn 76 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện.
Đặc biệt, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh, nếu như năm 1995 có 552.308 người được cấp thẻ BHYT, bằng 13,9% dân số thì đến nay, tính đến tháng 6/2023 số người tham gia BHYT tăng lên hơn 7,7 triệu người, mở rộng diện bao phủ BHYT đạt 93,1% dân số. Năm 2023, BHXH Thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao 93,5%, giúp người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám, chữa bệnh.
Hà Nội là nơi có số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng lớn nhất cả nước. Đối tượng hưởng chính sách rất đa dạng, trong đó có nhiều cán bộ trung, cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, nhiều cán bộ Lão thành cách mạng, người có công… Nhưng trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thành phố, các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn và sự chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam, BHXH thành phố Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng và Bưu điện thực hiện tốt nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định trước ngày 10 hàng tháng.
Nếu như năm 1995, Thành phố Hà Nội giải quyết và chi trả lương hưu và các chế độ BHXH hàng tháng cho 224.348 người với số tiền 592 tỷ đồng thì đến 6 tháng đầu năm 2023, BHXH Thành phố thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng của 577.479 người với số tiền chi trả 15.243 tỷ đồng; số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM đạt 41,17%.
Từ năm 2003 đến nay, BHXH TP. Hà Nội đã đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT theo đúng quy định của Điều lệ BHYT và sau này là Luật BHYT. Để thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân, hằng năm, BHXH TP Hà Nội ký hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở KCB từ tuyến TW đến tuyến y tế cơ sở có đủ điều kiện theo quy định để tổ chức công tác KCB, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm, nếu như năm 1995 có 1,6 triệu lượt người KCB BHYT thì đến riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã có trên 4,8 triệu lượt người KCB BHYT, trong đó chi phí KCB BHYT đề nghị thanh toán là 8.512,4 tỷ đồng. Hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, bệnh mạn tính có chi phí điều trị lớn đều đã được BHXH Thành phố thực hiện thanh toán đầy đủ đúng quy định, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhằm phát triển nhanh số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn, BHXH Thành phố tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 31/8/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó, năm 2022, ngân sách Thành phố đã hỗ trợ 44.635 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 8,2 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Ngân sách Thành phố đã hỗ trợ 52.865 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 10,7 tỷ đồng.
Để nâng cao chất lượng cải cách TTHC cũng như các hoạt động nghiệp vụ, BHXH TP Hà Nội đã triển khai ứng dụng CNTT trong giao dịch hồ sơ điện tử. BHXH Việt Nam cũng đã chọn Hà Nội là đơn vị triển khai thí điểm nhiều TTHC và phần mềm CNTT, sau đó mới triển khai áp dụng đồng bộ trên toàn quốc.
BHXH Thành phố cũng chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, kịp thời đưa ra các phân tích, dự báo mang tính chuyên sâu. Bên cạnh đó, đã liên thông dữ liệu, kết nối các phần mềm quản lý: Giải quyết chế độ BHXH (TCS); Quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (TST); phần mềm kế toán và Hệ thống thông tin giám định BHYT góp phần phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Năm 2019, BHXH thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về "Ứng dụng CNTT và cải cách TTHC". Đến nay, trên 99,8% các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử với cơ quan BHXH, còn lại thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực BHXH, BHYT; kịp thời giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Cùng với đó, công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số cũng đã có những bước phát triển nổi bật. Đặc biệt, sự ra đời ứng dụng "VssID - BHXH số" được đánh giá là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Toàn Thành phố hiện có khoảng 4 triệu người đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và được cấp tài khoản sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số, là đơn vị có số người cài đặt ứng dụng VssID lớn nhất toàn quốc.
Về triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Thành phố đã phối hợp các Sở, ngành thực hiện 4/25 thủ tục hành chính kịp thời, theo quy định. Đến nay, đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi với 28.169 trường hợp; liên thông đăng ký khai tử, trợ cấp mai táng phí đối với 298 trường hợp.
Có 137 lượt giao dịch gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 14.030 người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với việc xác thực dữ liệu căn cước công dân với thẻ BHYT, đã có 6.334.701 người có thẻ BHYT trên địa bàn Thành phố đã được đồng bộ có thể sử dụng căn cước công dân để đi KCB. Đáng chú ý, trên địa bàn Thành phố, 698 cơ sở KCB BHYT đã áp dụng CCCD tra cứu KCB; số lượt sử dụng CCCD tra cứu KCB là 1.142.936 lượt.
Trải qua 28 năm xây dựng và phát triển, BHXH thành phố Hà Nội luôn chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, chủ động, tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, đội ngũ công chức, viên chức của BHXH Thành phố đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; nhất là kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin; quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ; luôn nêu cao tinh thần, ý thức trong thực thi công vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp Thủ đô; đến nay chỉ số mức độ hài lòng của người dân đạt trên 90%.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hướng về cộng đồng cũng được BHXH Thành phố tích cực hưởng ứng. Tại chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn của BHXH Việt Nam phát động, BHXH Thành phố huy động sự tham gia của công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành đồng thời phối hợp với các Ngân hàng, doanh nghiệp, đơn vị tài trợ trên địa bàn tặng hơn 2.000 sổ BHXH, gần 900 thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa chính sách an sinh của Nhà nước tới cộng đồng xã hội.
Với những thành tựu đạt được, trong 28 năm qua, BHXH Thành phố đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1998, 2005; Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2004; Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2009; Huân chương Độc lập Hạng Ba năm 2014; Cờ thi đua của Chính phủ năm 2009, năm 2020; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1999, 2002, 2003, 2008, 2016, 2019 và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của BHXH Việt Nam, của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.
Đảng bộ cơ quan BHXH Thành phố nhiều năm được công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, Đảng ủy Khối công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… BHXH Thành phố được Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
BHXH Việt Nam biểu dương BHXH Thành phố về thành tích xuất sắc trong tổ chức, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…
Phát huy những thành tích đạt được, BHXH thành phố Hà Nội trong hành trình xây dựng và phát triển, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia, thụ hưởng với phương châm "Vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp Thủ đô".
PVNgành ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do vậy việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.