Bí ẩn "Cái chết đen": Hai ngôi sao chổi xuất hiện trên bầu trời London mở màn cho thảm kịch của toàn nhân loại

Tư liệu
10:45 AM 07/03/2022

Năm 1347, "Cái chết đen" đã cướp đi sinh mạng của 200 triệu người, giết chết 60% dân số châu Âu và 33% dân số nước Anh. 10 năm sau, "thần chết" tiếp tục quay trở lại…

Khi nền văn minh nhân loại phát triển và dân số bùng nổ theo từng ngày cũng là lúc môi trường xuống cấp. Từ vệ sinh nhà cửa, cách ăn uống của con người cũng không còn "trong lành" như xưa.

Những động vật dễ gây bệnh như chuột, rơi, chấy rận...sinh sôi nảy nở, sống chung với con người. Cùng với sự giao thương mở cửa giữa các quốc gia đã mở lối cho hàng loạt dịch bệnh khủng khiếp ra đời. Trong đó có dịch hạch – "Cái chết đen" của nhân loại.

Sự xuất hiện kỳ bí của hai ngôi sao chổi

Nghị sĩ Samuel Pepys, một lãnh đạo của Hải quân Anh đồng thời là thành viên Quốc hội nổi tiếng thế giới bởi những cuốn nhật ký của mình.

Bí ẩn Cái chết đen: Hai ngôi sao chổi xuất hiện trên bầu trời London mở màn cho thảm kịch của toàn nhân loại - Ảnh 1.

Cuốn nhật ký của Samuel Pepys được xem là tư liệu lịch sử quý giá về dịch hạch

Ông từng ghi chép lại tỉ mỉ 3 sự kiện quan trọng bậc nhất lịch sử nước Anh đó là dịch hạch năm 1665 – 1666; Đại hỏa hoạn năm 1666 và chiến tranh Anh – Hà Lan giai đoạn 1665 – 1667.

Trong cuốn nhật ký, ông từng nhắc đến hai ngôi sao chổi xuất hiện trên bầu trời London. Một ngôi sao chổi hiện vào cuối năm 1664 và một xuất hiện vào đầu năm 1665. Thời bấy giờ, các nhà chiêm tinh học đã cho rằng đó là dấu hiệu của ma quỷ sắp giáng xuống nước Anh. Song, ít ai hiểu được rằng, đó không phải là ma quỷ mà là "thần chết" mang tên dịch hạch đang chuẩn bị tới cướp đi mạng sống của không chỉ người dân Anh mà còn của cả Châu Âu.

Nguồn gốc về "Cái chết đen"

3 trong số những đại dịch chết chóc nhất đều được ghi nhận từ một loại vi khuẩn gây ra- Yersinia pestis hay còn gọi là vi khuẩn dịch hạch.

Bệnh dịch hạch xảy ra đầu tiên được cho vào thời kỳ 541 sau Công nguyên tại Constantinople, thủ đô của Đế chế Byzantine (Ai Cập). Sau đó, bệnh dịch đã lan rộng khắp Châu Âu, Châu Á, Bắc Phi và Arab, giết chết ước tính từ 30 đến 50 triệu người, khoảng một nửa dân số thời điểm đó.

800 năm sau, dịch bệnh này đã quay trở lại và khiến châu Âu điêu đứng trong "Cái chết đen" (Black Death). Cụ thể, tháng 10/1347, khi 12 con tàu từ Biển Đen cập cảng Messina của Sicilia, người dân có mặt lúc đó đã gặp phải một điều kinh hoàng. Hầu hết các thủy thủ trên những con tàu này đã chết, những người còn sống thì cũng đang bị bệnh nặng, toàn thân bao phủ bởi những nhọt đen rỉ máu và mủ.

Chính quyền Sicilia đã nhanh chóng đưa hạm đội "tàu tử thần" ra khỏi cảng, nhưng đã quá muộn. Dịch hạch đã lan tỏa nhanh chóng, cướp đi sinh mạng của 200 triệu người, tương đương 60% dân số Châu Âu và 33% dân số nước Anh.

Theo một số ý kiến, chấy và bọ chét được cho là vật mang vi khuẩn dịch hạch Yersinia Pestis ở sóc, thỏ, chuột và gà...Sau khi làm số lượng lớn động vật gặm nhấm chết đi, bọ chét và chấy sẽ mang theo vi khuẩn đi tìm vật trung gian mới, đó chính là con người.

Bí ẩn Cái chết đen: Hai ngôi sao chổi xuất hiện trên bầu trời London mở màn cho thảm kịch của toàn nhân loại - Ảnh 2.

Tranh mô tả dịch hạch. Ảnh: Getty Images

Khi "không còn ai để lây nhiễm", người ta tưởng rằng dịch bệnh cũng sẽ theo đó mà "chết" đi. Song, 10 năm sau, từ năm 1348 - 1665 với 40 đợt bùng phát trong vòng 300 năm ở London. Mỗi đợt bùng phát, 20% đàn ông, phụ nữ và trẻ em lại tử vong vì mắc phải dịch bệnh quái ác này.

Vào đầu những năm 1500, nước Anh đã thực hiện bộ luật đầu tiên yêu cầu tách riêng và cách ly những người bị bệnh. Những gia đình bị dịch bệnh tấn công sẽ được đánh dầu bằng một kiện cỏ được treo trên một cây gậy bên ngoài. Nếu người nào có người thân mắc dịch hạch, người đó sẽ phải mang theo một cây gậy trắng khi đến nơi công cộng.

Đến năm 1665, đây cũng là đợt bùng phát dịch bệnh cuối cùng nhưng cũng là một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất kéo dài hàng thế thế kỷ, khiến 100.000 người dân Thủ đô nước Anh thiệt mạng chỉ trong vòng 7 tháng.

Nghị sĩ Pepys từng viết trong nhật ký, tháng 8/1665, mô tả chuyến đi đến Greenwich: "Dọc đường, tôi nhìn thấy một cỗ quan tài có xác chết ở trong, chết vì bệnh dịch hạch, giữa một cánh đồng thuộc trang trại Coome. Có lẽ xác được thảy ra đấy vào tối qua và giáo xứ đã không chỉ định bất kỳ ai chôn cất nó. Thay vào đó – thật tàn nhẫn - họ cắt đặt 1 người canh chừng cả ngày lẫn đêm, cảnh báo không ai được lai vãng, kể cả gia đình của người chết. Bệnh dịch này làm cho chúng ta trở nên tàn nhẫn với nhau hơn cả loài chó…"

Tất cả các hoạt động vui chơi giải trí lúc bấy giờ đều bị nghiêm cấm và các bệnh nhân đều bắt buộc phải ở trong. Mặc dù việc "giam" những người bị bệnh trong nhà và chôn các thi thể trong những ngôi mộ tập thể bị coi là dã man nhưng đó là cách duy nhất thời bấy giờ để khiến những đợt bùng phát cuối cùng của dịch bệnh chết chóc này kết thúc.

Kỳ lạ đồng phục bác sĩ như "thần chết"

Trong cơn tuyệt vọng bởi dịch bệnh, các nước châu Âu đã thành lập một đội ngũ bác sĩ dịch hạch (plague doctor).

Họ không cần được đào tạo y khoa hoặc có rất ít kinh nghiệm, họ chỉ cần là những người gan dạ, sẵn sàng lao vào vùng dịch để kiểm đếm số người chết thay vì điều trị bệnh.

Do suốt một thời gian dài, không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra "Cái chết đen" là gì nên người dân thường tin vào ma quỷ hoặc thậm chí ngay chính cả giới y khoa cũng đổ lỗi cho "thuyết chướng khí". Có nghĩa là, dịch hạch lan truyền qua mùi hôi xác chết.

Bí ẩn Cái chết đen: Hai ngôi sao chổi xuất hiện trên bầu trời London mở màn cho thảm kịch của toàn nhân loại - Ảnh 3.

Tranh vẽ một bác sĩ dịch hạch vào thế kỷ 17. Ảnh: Paul Fürst/Death Scent.

Điều này đã tạo ra tiền đề cho sự ra đời của bộ đồ bảo hộ kỳ quái sử dụng cho các bác sĩ và trở thành một biểu tượng ám ảnh khi nhắc tới "Cái chết đen".

Theo đó, bộ đồ được phát minh vào năm 1619 bởi Charles de l'Orme, bác sĩ chính của quốc vương Pháp Louis XIII. Bao gồm một áo choàng trùm đầu dài đến mắt cá chân, quần ống túm, giày, mũ và găng tay. Tất cả đều được làm bằng da dê có tẩm chất thơm và phủ một lớp mỡ động vật cứng màu trắng ở bên ngoài để ngăn dịch cơ thể của nạn nhân thấm qua.

Đi kèm với bộ đồ bảo hộ còn có một phụ kiện là mặt nạ hình mỏ chim với "cái mũi dài tới 15cm" chứa đầy thảo mộc như đinh hương, bạc hà, long não và nhựa thơm. Mục đích là để khử mùi hôi của xác chết. Hai lỗ hổng ở vị trí mắt được che chắn bằng kính.

Khi thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ cũng thường cầm theo một cây gậy gỗ dài để kiểm tra các thi thể mà không cần tiếp xúc, hoặc để xua đuổi người khác khi muốn họ giữ khoảng cách.

Đáng tiếc, bộ đồ được ví như trang phục của thần chết này lại không có tác dụng ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch hạch. Thậm chí, nó còn khiến người mặc cảm thấy nóng, bí và không thấm mồ hôi. Hậu quả là nhiều bác sĩ đã nhiễm bệnh và tử vong.

Nguồn: cdc.gov; History; The New York Times

Nguyễn Phượng
Ý kiến của bạn