Bi kịch tiểu thương chợ Tân Phong mang tên Hương “bác ái”
Hàng chục tiểu thương dãi gió dầm sương tằn tiện hoặc vay mượn tiền để đưa cho một phụ nữ dáng vẻ đạo đức vay lại, để rồi phải ngậm đắng nuốt cay cày cuốc để trả nợ khi người phụ nữ “bác ái” kia biến mất...
"Thần tượng" chị Hương "bác ái"!
Chợ Tân Phong (Biên Hòa, Đồng Nai) buổi chiều vừa tắt nắng, một phụ nữ gầy gò, áo quần xộc xệch đang tất tả dọn dẹp mớ hành tỏi ít ỏi trong chiếc rổ tồi tàn. Tay làm nhưng ánh mắt chị đảo quanh như tìm kiếm ái đó. "Chị Hương…!" - người phụ nữ la lên cùng với nụ cười hiền hậu, trái ngược với vẻ gầy yếu bệnh tật bên ngoài. Rồi chị bỏ hết mọi thứ đang làm, đứng lên chạy theo người phụ nữ trung niên tên Hương kia, vồn vã nói: "Tiền đã có rồi, ở đây. Đúng 120 triệu nha chị!". Vừa nói, chị vừa cầm cái túi nilon đen đưa cho người đàn bà được gọi tên Hương. Người phụ nữ trung niên cầm tiền, cười nói cám ơn rồi móc trong túi xách ra xấp tiền, đếm 6 tờ 500 ngàn đồng đưa lại cho người phụ nữ gầy yếu, nói: "Trong vòng một tháng, chị sẽ trả lại em để đưa lại cho người ta. Nếu trễ sẽ tính lãi như chị em mình đã nói với nhau".
Chị là Nguyễn Thị Thu Trang, người mua đầu chợ bán cuối chợ. Chỉ 3 ngày sau khi chị Trang đưa tiền,"chị Hương" biến mất. Số tiền 120 triệu đồng vừa vay nóng của người khác mang cho "chị Hương" kiếm chút "tiền đầu" cũng mất theo. Chị gần như phát điên, chạy nháo nhào khắp chợ với khuôn mặt thất thần. Lúc này chị mới biết, không chỉ một mình chị mất tiền. Đã có hàng chục chị em tiểu thương khác cũng mất. Họ tằn tiện vắt sức lao động hàng ngày để gom tiền đưa cho Hương. Có người vay mượn bạn bè tạm vài hôm, có người lén chồng con lấy tiền tiết kiệm, lại có người rủ anh chị em trong nhà góp tiền đưa cho Hương mượn... Họ được gì? Được vài đồng tiền lẻ gọi là "lãi suất" mà người phụ nữ tên Hương lén lút đưa. Sao lại phải lén lút? Vì Hương không muốn cho những "nạn nhân" của mình biết nhau! Chính vì vậy, khi vụ việc bị vỡ lở, số tiền mà họ thống kê chưa đầy đủ đã lên đến ngoài 13 tỉ đồng! Có người mất đến gần 1,5 tỉ đồng!
"Chị Hương" tên thật là Lê Thị Hương, sinh 1970, quê quán Nam Định. Trước khi định cư tại TP.Biên Hoà (Tỉnh lộ 768B, khu phố 3, phường Trảng Dài) Hương cùng chồng sống ở quê Nam Định. Vài năm trước Hương đến mua bán rau củ quả tại chợ Tân Phong (phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, Đồng Nai). Sạp rau quả của Hương ngay đầu chợ, khách đông nườm nượp nên Hương nhanh chóng xây dựng được hình ảnh một tiểu thương cần cù, biết làm ăn và giàu có nhanh chóng. Đặc biệt, tất cả các cuộc quyên góp từ thiện của chợ đều không bao giờ vắng mặt Hương rau quả. Những lần bận bịu, không tham gia đi từ thiện, Hương đều nhắn nhủ, gởi gắm quà cáp rất tận tình, khiến toàn thể bà con tiểu thương tôn kính chị như một "thần tượng" của lòng bác ái!
Lột bộ mặt thật của Hương "bác ái"
"Ngày 23 cô Hương lấy của tôi 120 triệu, ngày 24, cô ta nghỉ bán, sau đó bán lại thêm 1 ngày rồi biến mất luôn" chị Trang buồn bã kể. Chị cho biết giờ cũng không biết tính làm sao để phải gánh cả một khoản tiền khổng lồ trong khi chị chỉ là người mua gánh, bán bưng.
"Một ngày trước khi biến mất, Hương còn lấy của tôi 50 triệu! Nó nói đứa con lớn đòi mua xe SH, tiền chạy gần đủ rồi, chỉ thiếu khoảng vài chục triệu đồng nữa thôi. Tôi bảo mình không có tiền nhưng không biết tôi bị bỏ bùa gì của nó mà cứ cố công chạy vạy mượn tạm được 35 triệu đồng đưa cho hắn. Thế rồi hắn biến mất luôn - bà Nguyễn Thị Nhiễm nghẹn ngào kể - Tôi và nó từng đi từ thiện khắp nơi, chỗ nào nó cũng tỏ ra thành kính và rộng rãi khiến tôi không chút nghi ngờ. Vậy mà…"
Bà Nguyễn Thị Kim Lan có lẽ là người bình tĩnh nhất dù số tiền bà mất thuộc top đầu: 1,47 tỉ đồng! Người đàn bà chủ sạp vải có vẻ đã tìm được sự tĩnh táo sau sự cố, nói: "Buôn bán chung với nhau bao nhiêu năm rồi, thấy tính nó cũng sòng phẳng, thậm chí quá tốt nên mới dám dốc túi lấy tiền đưa cho nó. Tôi thấy gia đình nó quá to, quá bề thế chứ đâu có nghĩ sự tình như vậy. Số tiền lãi vài phân một tháng đâu có bõ bèn gì với tôi…"
Chị Nguyễn Thị Tiến, người mất 1,152 tỉ đồng cho biết, Hương "bác ái" cũng có ghi giấy mượn nhưng rất sơ sài, chỉ để cho có mà thôi. Đến khi mọi chuyện lở vỡ ai cũng trưng ra một tờ giấy nợ do Hương ghi. Đó là tờ giấy vụn, không đầu không đuôi mà trong đó, thông tin duy nhất có giá trị là số tiền mà Hương nợ của họ.
Bi kịch nhất có lẽ là vợ chồng anh Trung. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Lan kể lại: "Vợ chồng buôn bán vài năm, tích cọp được ít tiền, dự tính đưa cho chị Hương mỗi tháng thêm được vài đồng xoay xỏa trong nhà. Nghĩ cũng chắc ăn nên ngoài tiền của mình, chúng tôi còn "kêu" thêm mẹ và đứa em tham gia. Giờ thì số tiền tổng cộng hơn 570 triệu đồng của cả ba người cùng "bay" theo con Hương đi mất!". Anh Trung cho biết, vợ chồng anh quá bi đát khi vợ bị mất tiền còn bản thân anh cũng vừa bị công an thị xã Tân Uyên (Bình Dương) giữ chiếc xe tải chở thuê do có liên quan đến chuyên án mất trộm bò mà cơ quan này đang tiến hành. "Nghe tin bà Hương biến mất, hàng trăm triệu đồng của vợ và em mất luôn thực tình tôi không muốn sống nữa. Lúc đó, may nhờ có vợ và bạn bè khuyên giải nên tôi từ bỏ ý định tự tử. Quá khổ mà!" anh Trung nghẹn ngào nói.
Thương tâm, oan nghiệt nhất có lẽ là trường hợp ông Bùi Xuân Bộ, một người "thường trú" tại chợ Tân Phong lâu nhất. Ông Bộ cay đắng nói: "Tôi hiểu từng ngóc ngách của chợ này, vợ chồng con Hương quả thật rất xảo trá. Nó dựng lên bộ mặt nhân từ để đi cướp đoạt của cải. Tôi vì mất cảnh giác mà mất đến 280 triệu đồng! Số tiền mà cả đời tôi dành dụm!". Theo ông Bộ và những người hiểu biết, vợ chồng Hương "bác ái" đã từng vướng vào vụ lừa đảo tiền của hàng xóm quê ngoài Bắc nên mới bỏ trốn vào đây.
Dân sự hay hình sự?
Một ngày sau khi vợ chồng Hương bác ái biến mất, chợ Tân Phong rơi vào hỗn loạn. Người ta hốt hoảng tìm kiếm bất cứ cái gì Hương bỏ lại, thậm chí kéo vào nhà Hương để "siết đồ". Lúc bấy giờ mọi người mới tá hỏa nhận ra, toàn bộ nhà cửa, đất đai, đồ đạc đã được hai vợ chồng dọn đi hoặc bán mất từ trước đó!
Các nạn nhân nhóm họp nhau viết đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Thế nhưng, theo họ, công an trực ban gặp họ, đọc đơn, ghi vào nhật trình rồi... trả lại đơn với lời khuyên: "Đây là giao dịch dân sự, lên tòa án mà kiện!".
Đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến loại hình "giao dịch dân sự" này đổ bể khắp nơi mà ở chợ Tân Phong là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, ở đây, các yếu tố hình sự đã thể hiện rõ, là một kiểu lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngay từ ngày đầu mượn tiền, vợ chồng Hương đã xây dựng một hình ảnh tốt đẹp, bác ái để lừa gạt lòng tin mọi người. Đó là một quá trình "đầu tư" có sự tính toán cặn kẽ bằng một kế hoạch mà mục đích cuối cùng là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Lòng tin được sử dụng như một công cụ, một phương tiện nên khi mục tiêu đã đạt được thì y thị đã cao bay xa chạy! Số tiền thiệt hại mà một số nạn nhân thống kê được đã lên đến hàng chục tỉ đồng, liên đới đến hàng trăm số phận con người. Vụ việc đã trở thành vấn đề xã hội, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải ra tay can thiệp
Châu Phụng - Bá VươngKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.