Bí mật của công ty tỷ ‘đô’ không có bộ phận HR hay IT: CEO từng bị nhân viên ‘dạy dỗ’ không trượt tí nào

Doanh nghiệp - Doanh nhân
01:45 PM 09/08/2021

Đối với Greg Jackson, bộ phận HR và IT không làm cho 1.200 nhân viên của ông hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn.

Greg Jackson là người sáng lập và CEO của Octopus Energy, một startup năng lượng xanh ở Anh được định giá 2 tỷ USD. Dù công ty hiện có hơn 1.200 nhân viên nhưng Greg nói rằng ông không quan tâm đến những bộ phận truyền thống như nhân sự (HR) hay công nghệ thông tin (IT).

Thông thường, HR là bộ phận có nhiệm vụ đào tạo và phát triển nhân viên – một trong những nguồn lực quan trọng nhất của công ty. Tuy nhiên, theo Greg, một số công ty lớn đang có xu hướng "lạm dụng hóa" nhân viên và "nhấn chìm những người sáng tạo trong các quy trình và bộ máy phức tạp".

Đối với ông, bộ phận HR và IT không làm cho nhân viên của ông hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn. Chính vì vậy, Octopus Energy không hề có hai bộ phận này.

Bí mật của công ty tỷ ‘đô’ không có bộ phận HR hay IT: CEO từng bị nhân viên ‘dạy dỗ’ không trượt tí nào - Ảnh 1.

Octopus Energy được thành lập năm 2015, chuyên cung cấp năng lượng tái tạo cho các hộ gia đình. Theo thời gian, công ty đã đạt được sự phát triển vượt bậc, trở thành 1 trong 6 công ty năng lượng hàng đầu ở Anh và hiện cung cấp năng lượng cho hơn 1,9 ngôi nhà. Với phần mềm quản lý năng lượng độc quyền, công ty đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh sang các quốc gia khác.

Greg là một serial entrepreneur (khái niệm để chỉ người thành lập công ty mới sau khi đã làm chủ một hay nhiều doanh nghiệp trước đó). Trước khi Octopus Energy ra đời, ông điều hành một công ty sản xuất gương, một công ty môi giới bất động sản trực tuyến và một cửa hàng cà phê.

Vị doanh nhân chia sẻ: "Tôi không thích chỉ huy và kiểm soát. Phong cách quản lý từ trên xuống dưới ở thời điểm hiện tại của tôi đến từ kinh nghiệm trong nhiều năm qua. Tôi bắt đầu từ việc điều hành các công ty nhỏ hơn với khoảng 5 nhân viên và học cách tự giải quyết vấn đề về nhân sự và công nghệ thông tin từ đó".

Nhưng sẽ ra sao khi một nhân viên bị bắt nạt hay xuất hiện một tranh chấp trong hợp đồng cần kiến thức chuyên môn? Greg nói rằng ông muốn các cấp dưới của mình chịu trách nhiệm cá nhân về những lĩnh vực mà họ phụ trách thay vì phó mặc cho bên thứ 3.

Ông cho rằng cách tiếp cận này cho phép công ty mở rộng quy mô nhanh hơn cũng như giúp nhân viên tự chủ hơn trong công việc.

Bí mật của công ty tỷ ‘đô’ không có bộ phận HR hay IT: CEO từng bị nhân viên ‘dạy dỗ’ không trượt tí nào - Ảnh 2.

Ngoài ra, ông cho biết thêm rằng một sự cố cá nhân vẫn gây ám ảnh đến nay chính là nền tảng cho triết lý quản lý hiện tại của ông.

Ông kể lại: "Năm 27 tuổi, tôi quản lý một doanh nghiệp sản xuất ở phía bắc London. Tại đó, có một phụ nữ khoảng 40 tuổi làm lễ tân kiêm nhân viên chăm sóc khách hàng. Một lần, khi nghe thấy cô ấy nói chuyện với khách hàng qua điện thoại, tôi nghĩ mình có thể giúp ít nhiều nên đã nán lại và đưa ra một số lời khuyên mà tôi cho là khá khôn ngoan.

Sau khi nghe xong, cô ấy nói: ‘Greg, tôi nuôi 2 cậu con trai cùng 1 người chồng với mức lương khiêm tốn mà công ty này chi trả. Nếu tôi có thể làm việc khó như vậy thì tin tôi đi, tôi có thể làm bất cứ điều gì mà công ty muốn. Tôi đã ở đây trước cậu và sẽ tiếp tục ở đây sau khi cậu rời đi. Tôi yêu công ty hơn cậu. Vậy nên, cậu không cần bảo tôi phải làm gì’.

Tôi đã vô cùng sửng sốt trước phản ứng trên. Cô ấy vừa tạt cho sếp của mình một gáo nước lạnh. Nhưng tôi nhận ra rằng cô ấy đã đúng và tôi ôm chầm lấy người phụ nữ này. Đó là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất, đặt nền tảng cho phong cách quản lý của tôi ngày nay".

Kể từ đó, ông trao quyền nhiều hơn cho các cá nhân, các nhóm trong công ty nhiều nhất có thể và đã thành công.

Nguồn: NBC

Mộc Tiên
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.