Bí thư Hà Nội: Tận dụng tối đa "thời điểm vàng" để chặn đứng dịch, người dân không nên mua gom hàng hóa
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội đang rất cấp thiết, cấp bách đòi hỏi phải có giải pháp đủ mạnh để tận dụng tối đa "thời điểm vàng" quyết tâm chặn đứng dịch lây lan diện rộng.
Do đó, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo quyết định thực hiện một số biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chiều 18/7, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Công điện số 15/CĐ-CTUBND cụ thể hóa tinh thần này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, mặc dù dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, nhưng Thành phố đã quy định cụ thể từng loại hình, lĩnh vực, cách thức hoạt động, bảo đảm an toàn nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế cho dân. Đây cũng là điểm riêng thể hiện sự chủ động, linh hoạt của Hà Nội trong vận dụng một số biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Bí thư Đinh Tiến Dũng kêu gọi người dân toàn Thành phố tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp mới mà Thành phố áp dụng, nhất là không tụ tập đông người; chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và tuân thủ "5K" khi bắt buộc phải đi ra ngoài.
"Mọi chủ trương, biện pháp nếu không có sự đồng lòng, chấp hành từ người dân thì sẽ không có hiệu quả", Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói.
Bí thư Thành ủy đề nghị cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, và đảng viên toàn Đảng bộ Thành phố nêu cao ý thức trách nhiệm; bản thân và gia đình phải là những tấm gương, đi đầu trong thực hiện nghiêm, thực hiện đúng và thực hiện đều các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi đồng chí, mỗi gia đình cán bộ, đảng viên phải trở thành "điểm sáng" lan toả tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.
Các cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, y bác sĩ làm nhiệm vụ tuyến đầu, các cán bộ tham gia Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 các cấp, các tổ COVID cộng đồng... cần tiếp tục phát huy thành tích, kinh nghiệm thời gian qua, nỗ lực hoàn thành mọi công việc được giao; tạo thành lá chắn vững chắc cho Thành phố.
Lưu ý một số biện pháp các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền khơi dậy phong trào toàn dân, toàn diện phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền để người dân bình tĩnh, không chủ quan, lơ là chống dịch, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ thái quá.
Đặc biệt, người dân không nên mua gom hàng hóa, chỉ cần mua đủ dùng, vì các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh vẫn được phép hoạt động và Thành phố đã tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân.
Cấp ủy, chính quyền phải kích hoạt các tổ công tác phòng, chống COVID-19, nòng cốt là lực lượng công an, để tăng cường kiểm tra, giám sát vừa chấn chỉnh những biểu hiện chủ quan, lơ là; vừa phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch kết hợp với truyền thông rộng rãi để giáo dục, răn đe.
Nhấn mạnh về lâu dài giải pháp quyết định để đẩy lùi dịch COVID-19 vẫn là tiêm vaccine, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo ngành y tế Thành phố chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận và sử dụng kịp thời, hiệu quả cao nhất khi được Chính phủ phân bổ vaccine.
Cụ thể là các phương án tổ chức các điểm tiêm chủng cố định và lưu động trên toàn địa bàn Thành phố với tổng số 1.200 dây truyền tiêm và 100 tổ cấp cứu lưu động tham gia ứng trực xử lý các tình huống bất thường sau tiêm. Các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm rõ và đăng ký tiêm chủng qua chính quyền cơ sở hoặc trên ứng dụng "Sổ sức khoẻ điện tử" (đường link https://hssk.kcb.vn/#/sskdt).
Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng nhắc nhở phải chuẩn bị ngay các phương án kỹ thuật, quy mô các điểm cách ly cho các tình huống dịch phức tạp hơn. Các cấp, các ngành chủ động "4 tại chỗ" chuẩn bị trước mọi điều kiện cần thiết nếu dịch diễn biến xấu.
Nhã MiViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.