Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An dự cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng
Sáng 1/8 tại Đà Nẵng, đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Buổi làm việc có: Ông Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chủ trì; ông Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đồng chủ trì.
Dự cuộc làm việc có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành và 14 tỉnh, thành phố trong vùng. Ông Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An dự cuộc làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; đồng thời, đề xuất cách làm, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tiếp theo (2026 - 2030).
Phát biểu tại cuộc làm việc, góp ý vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhận định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương đều hết sức khẩn trương, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức vượt xa so với dự báo và khó đoán định; tuy vậy, với sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: quy mô nền kinh tế tăng; giá trị thương hiệu quốc gia tăng; kết quả trong phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống cao tốc; chỉ số phát triển con người tăng; làm tốt công tác an sinh xã hội;...
Trong nhiệm kỳ này, việc Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã khẩn trương ban hành các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, thuận lợi vẫn sẽ là cơ bản, song đan xen với đó còn không ít khó khăn, thách thức, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, do đây vẫn là điểm nghẽn trong nhiều nhiệm kỳ.
Theo đó, cần quyết liệt tháo gỡ những chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, nhất là các quy định pháp luật trên các lĩnh vực như: đầu tư, tài chính, quản lý đất đai, lâm nghiệp, phương thức đối tác công - tư… để khơi thông được nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng đảm bảo các quy định pháp lý; các cơ chế, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù của vùng trong các ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị tiếp tục có giải pháp tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông đường bộ liên vùng, các tuyến đường bộ cao tốc, hàng không, đường sắt tốc độ cao,…
Đồng thời, tăng cường, tạo đột phá hơn nữa đề đầu tư kết nối giao thông Đông - Tây nhằm rút ngắn được khoảng cách phát triển giữa khu vực đồng bằng phía Đông và các khu vực miền núi phía Tây; kết nối giao thông đối ngoại với Lào và Đông Bắc Thái Lan như: đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn…
Liên quan đến huy động các nguồn lực, bên cạnh đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị trong nhiệm kỳ mới cần nghiên cứu, hoàn thiện tạo ra được đột phá lớn về thể chế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp làm mới những nội dung, nhiệm vụ đã được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, nhất là nhóm vấn đề mới đặt ra đối với cả nước, cũng như từ đặc trưng, thực tiễn của các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Phó Thủ tướng Chính phủ đồng thời trao đổi các nội dung mà lãnh đạo các địa phương nêu ý kiến, trong đó, đối với công tác xây dựng thể chế cần đổi mới mạnh mẽ theo hướng tạo không gian phát triển mới, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm từ người quản lý đến doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, cùng với việc thể chế hóa vai trò, vị trí, công cụ quản lý của Hội đồng Điều phối vùng đối với những hoạt động mang tính liên kết vùng về địa lý, tự nhiên, văn hóa, xã hội, kinh tế… các địa phương phải chủ động thống nhất quy chế hoạt động, tổ chức lựa chọn những nhiệm vụ, thứ tự ưu tiên các công trình, dự án cấp vùng nhằm triển khai quy hoạch vùng, tăng cường liên kết vùng;…
Cuộc làm việc hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng để góp phần chuẩn bị chu đáo, chất lượng các nội dung văn kiện, báo cáo kinh tế, xã hội 5 năm phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thái QuảngViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.