“Biến căng” tại Coteccons lắng xuống, ông Nguyễn Bá Dương xin lỗi cổ đông
Để xảy ra mâu thuẫn, ông Nguyễn Bá Dương nhận lỗi về hội đồng quản trị và trên tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị đã nhận trách nhiệm, xin lỗi cổ đông về việc đã xảy ra sự việc như vừa qua.
Ông Nguyễn Bá Dương vẫn tiếp tục là Chủ tịch của Coteccons
Giảm quyền Chủ tịch, Tổng Giám đốc
Phiên hôm qua (30/6), cổ phiếu CTD mở cửa tích cực với trạng thái tăng giá, được giao dịch ở mức 72.000 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó đã quay đầu và đóng cửa ở 69.600 đồng, ghi nhận giảm 400 đồng tương ứng 0,57%.
Hôm qua cũng là ngày diễn ra phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Coteccons, một trong những cuộc họp được nhà đầu tư rất chờ đợi.
Thông tin rất đáng chú ý ở đại hội hôm qua đó là ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Coteccons cho biết, đến trước phiên họp, Ban lãnh đạo Coteccons và các cổ đông lớn đã ngồi lại với nhau để giải quyết mâu thuẫn vốn đi đến đỉnh điểm.
Theo ông Dương, khi doanh số đi xuống (đặc biệt trong năm 2019), các cổ đông lớn và ban lãnh đạo Coteccons đã nảy sinh mâu thuẫn (mâu thuẫn về quan điểm quản trị doanh nghiệp, bất động ngôn ngữ, văn hoá…).
Ông Nguyễn Bá Dương nhận lỗi về Hội đồng quản trị và trên tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị đã nhận trách nhiệm, xin lỗi cổ đông về việc đã xảy ra sự việc như vừa qua.
Mặc dù vậy, ông Dương cho rằng, khi Hội đồng quản trị đồng lòng thì Coteccons thời gian tới đây sẽ “rất khác”.
Phiên họp ĐHĐCĐ của Coteccons kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua (trừ tờ trình miễn nhiệm Ban kiểm soát soát được rút).
Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công và Thành viên độc lập Trần Quyết Thắng đã rút khỏi Hội đồng quản trị và được bổ nhiệm thay thế bởi đại diện The8th - ông Herwig Van Hove và đại diện Kusto Việt Nam - ông Bolat Duisenov.
Bên cạnh đó, Điều lệ công ty cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc.
Về việc giá cổ phiếu CTD, ông Nguyễn Bá Dương đánh giá mức giá trên sàn của mã này đang thấp hơn giá trị sổ sách và sẵn sàng làm mọi cách để cải thiện vấn đề nội bộ. Ông Dương cho biết, sau phiên họp, cá nhân ông sẽ mua thêm cổ phiếu.
Thị trường giao dịch “khó chịu”, nhà đầu tư thận trọng
Những hi vọng bật dậy của VN-Index đã không thể chiến thắng được áp lực bán cũng như tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong phiên cuối cùng của tháng 6.
Thị trường chứng khoán khép lại ngày giao dịch 30/6 với mức giảm 4,25 điểm của VN-Index tương ứng 0,51% còn 825,11 điểm; HNX-Index cũng giảm 0,56 điểm tương ứng 0,51% còn 109,76 điểm còn UPCoM-Index chỉ nhích nhẹ 0,01 điểm tương ứng 0,02% lên 55,52 điểm.
Thanh khoản khá yếu với tổng khối lượng giao dịch trên HSX là 358,39 triệu đơn vị tương ứng tổng giá trị giao dịch là 4.946,57 tỷ đồng. HNX có 57,53 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 448,8 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 16,88 triệu cổ phiếu tương ứng 165,19 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía các mã giảm giá. Có tổng cộng 428 mã giảm, 65 mã giảm sàn trên cả 3 sàn giao dịch so với 287 mã tăng, 55 mã tăng trần.
Một số mã lớn vẫn giảm và điều này gây sức ép đáng kể lên chỉ số chính. SAB giảm 3.500 đồng còn 157.000 đồng, VCB giảm 1.200 đồng còn 80.300 đồng, MSN giảm 1.000 đồng còn 54.100 đồng, GAS, MWG, VRE, VPB,… đều giảm giá.
Cổ phiếu FLC giảm sàn còn 3.620 đồng và hoàn toàn trắng bên mua. Dư bán giá sàn tại FLC còn có hơn 2 triệu đơn vị dù khối lượng khớp đạt 17,46 triệu. Tương tự, ITA cũng giảm sàn còn 4.380 đồng, khớp lệnh đạt 17,78 triệu cổ phiếu.
Một số mã khác có thanh khoản cao nhưng giảm giá như HSG khớp 20,42 triệu cổ phiếu nhưng giảm 350 đồng còn 11.450 đồng; HQC khớp 18,22 triệu cổ phiếu nhưng cũng giảm 100 đồng về còn 1.620 đồng/cổ phiếu.
Yếu tố nâng đỡ chỉ số và khiến thị trường không giảm sâu trong phiên này là trạng thái tăng và đứng giá tại một số cổ phiếu trụ cột. Cụ thể, VHM tăng 1.500 đồng lên 75.500 đồng; VNM tăng 800 đồng lên 112.700 đồng, VIC đứng giá tham chiếu 89.000 đồng.
Ngoài ra, tại phiên này, VJC cũng đạt tăng 1.200 đồng lên 108.000 đồng, HVN, HPG, HDB đều tăng giá.
Chính sự phân hoá của nhóm cổ phiếu lớn đã gây ra tình trạng giằng co trong gần suốt phiên giao dịch của thị trường ngày hôm qua. Nếu VHM đóng góp 1,43 điểm cho VN-Index thị trường lại VCB gây thiệt hại 1,26 điểm cho chỉ số này.
Khối nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng nhưng mức độ bán ròng không quá mạnh. Giá trị bán ròng khoảng 36 tỷ đồng, giảm đáng kể so với phiên trước, chủ yếu tại sàn HSX với hơn 32 tỷ đồng và tập trung tại PDR, VCB, VRE, VIC, GAS… Ngược lại, khối nhà đầu tư này mua ròng HPG, VHM, NVL, VNM và chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND.
Theo BVSC, áp lực giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn đang hiện hữu và VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục lùi về kiểm định vùng hỗ trợ mạnh nằm tại 780-820 điểm. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, chỉ số có thể sẽ sớm xuất hiện các phiên hồi phục kỹ thuật khi tiếp cận vùng hỗ trợ trên trong một vài phiên kế tiếp.
Mai ChiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.