Biến chủng Omicron ảnh hưởng thế nào đến việc mở lại đường bay quốc tế?

Kinh doanh
11:28 AM 03/12/2021

Việc mở lại đường bay quốc tế cần sự đồng thuận giữa các nước liên quan và biến chủng Omicron khiến các bên thận trọng hơn, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

Chiều 2/12, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, trả lời câu hỏi của báo chí về kế hoạch mở lại đường bay quốc tế, tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc mở các mở đường bay là nhu cầu thực tế và khách quan trong đại dịch COVID-19, do đó, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc trên thế giới cũng đang xem xét việc này để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động giao thương, đi lại của người dân.

Biến chủng Omicron ảnh hưởng thế nào đến việc mở lại đường bay quốc tế? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông - Ảnh: VGP

Theo ông Đông, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 8/11. Trong đó, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, dự kiến chúng ta sẽ kết nối lại với 10 quốc gia khác. Kế hoạch này được phân làm 3 giai đoạn khác nhau với lộ trình, tần suất và các biện pháp phòng chống dịch kèm theo đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách và đánh giá theo cầu của các thị trường đó. Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch… để hoàn thành kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

"Quyết định này dựa trên cơ sở có điều kiện. Về điều kiện mở chuyến bay, chúng ta phải xem xét các yếu tố như khả năng phòng chống dịch; tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân để miễn dịch cộng đồng", ông Đông nêu rõ.

Biến chủng Omicron ảnh hưởng thế nào đến việc mở lại đường bay quốc tế? - Ảnh 2.

Máy bay tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Giang Huy

Ông nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận của các quốc gia, đồng thuận về phương thức kiểm dịch của các quốc gia mà Việt Nam kết nối. Trong đó, hộ chiếu vaccine là công cụ quan trọng để mở các đường bay cũng như các biện pháp hành chính khác.

"Chúng ta tiếp tục trao đổi, thỏa thuận với các quốc gia trên cơ sở lộ trình chúng tôi đưa ra và quyết định trên cơ sở đồng thuận các quốc gia", ông Đông nêu rõ. Tuy nhiên, theo ông Đông, thời gian gần đây xuất hiện thêm biến chủng COVID-19 Omicron mới, nên tất cả các nước thận trọng, xem xét và đánh giá kỹ hơn việc này.

"Trong kế hoạch chúng tôi đã trình, dự kiến từ tháng 12 hoặc từ đầu năm 2022 có thể có những chuyến bay nhưng do biến chủng mới, cần rà soát và tiếp tục làm việc với các quốc gia để có thể nối lại đường bay sớm nhất. Trên cơ sở làm việc, chúng tôi sẽ rà soát, báo cáo để Thủ tướng quyết định", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải cho biết.

Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron nào. Biến thể này được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi và hiện đã lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 30/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ GTVT đề xuất mở lại đường bay theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 triển khai từ quý I năm 2022, tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam (trừ khi có các yêu cầu của cơ quan thẩm quyền về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế). Thị trường khai thác là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia.

Giai đoạn 2 triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách có "hộ chiếu vắc xin" từ quý II năm 2022.

Giai đoạn 3 khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tùy thuộc vào diễn biến dịch và tỉ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam và thế giới. Thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định, triển khai từ quý III năm 2022.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.