Biến động nhân sự cấp cao trong lúc kinh doanh gặp khó: Coteccons đang đánh mất vị thế tạm thời hay nguy cơ dài hạn?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
08:09 AM 14/12/2021

Nhìn chung, câu hỏi đặt ra hiện nay liệu Coteccons sẽ ứng phó như thế nào với áp lực cạnh tranh gia tăng hiện nay? Mục tiêu mở rộng ngành nghề, hướng đến mốc 3 tỷ USD vào năm 2025 theo tuyên bố của Chủ tịch Bolat Duisenov sẽ thực hiện hoá ra sao? Và hơn hết, liệu rằng việc mất ngôi vị chỉ là hiện tượng nhất thời, hay đó chính là nguy cơ dài hạn của thương hiệu lớn một thời?

Trong bối cảnh kinh doanh kém sắc của những quý đầu năm 2021, biến động thượng tầng có lẽ là một trong những vấn đề đáng lưu tâm của Coteccons (CTD). Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Liệu Coteccons sẽ ứng phó như thế nào với áp lực cạnh tranh gia tăng hiện nay? Mục tiêu mở rộng ngành nghề, hướng đến mốc 3 tỷ USD vào năm 2025 theo tuyên bố của Chủ tịch Bolat Duisenov sẽ thực hiện hoá ra sao? Và hơn hết, liệu rằng việc mất ngôi vị chỉ là hiện tượng nhất thời, hay đó chính là nguy cơ dài hạn của thương hiệu lớn một thời?

Trước nhiều thắc mắc của thị trường cũng như cổ đông, Chủ tịch Công ty là ông Bolat Duisenov vừa có cuộc đối thoại với nhà đầu tư. Trả lời gần như toàn bộ nghi vấn được đặt ra, đại diện Công ty không phủ nhận những khó khăn thời gian qua: Không chỉ sự khó khăn của thị trường mà còn là những vấn đề với đối tác, khách hàng, thậm chí là CBCNV rời bỏ Công ty trong giai đoạn đầu chuyển đổi bộ máy lãnh đạo.

Sau tất cả, theo Chủ tịch, những khó khăn đến nay tạm đã được xử lý. Trong đó, nhiều khách hàng lớn vẫn làm việc với Công ty, tổng thầu bắt đầu tăng lại và đội ngũ nhân sự CTD vẫn đảm bảo yêu cầu công việc. Thậm chí, nhiều nhân sự cũ cũng dần quay về Công ty. Với những luận điểm đưa ra, ông Bolat Duisenov khẳng định CTD đã trở lại đường đua.

Và, ngôi vị số 1 hay cạnh tranh là một câu chuyện bao gồm nhiều yếu tố, và không riêng một vài chỉ tiêu nào. Dù rằng, việc bị áp đảo theo ông cũng là trăn trở rất nhiều thời gian qua.

Biến động nhân sự cấp cao trong lúc kinh doanh gặp khó: Coteccons đang đánh mất vị thế tạm thời hay nguy cơ dài hạn? - Ảnh 1.

Buổi đối thoại với cổ đông mới đây ngày 9/12/2021.

Ban lãnh đạo với hơn nửa là dân tài chính, nhân sự cấp cao tiếp tục biến động?

Điểm lại, từ sau sự rút lui của Chủ tịch cũ là ông Nguyễn Bá Dương vào tháng 10/2020, lần lượt phần lớn các lãnh đạo chủ chốt của công ty cũng nối gót. Điều đáng nói, các lãnh đạo cấp cao lúc bấy giờ của Công ty đều là những người có kinh nghiệm, tên tuổi trên thị trường xây dựng – điều làm nên giá trị của một doanh nghiệp thầu, ghi nhận bởi quan điểm người trong cuộc.

Sau hơn 1 năm tái cấu trúc, CTD dưới trướng Kusto cũng đã lấp đầy các vị trí chủ chốt, với đa số là người nước ngoài và thiên về lĩnh vực tài chính. Trong đó, tổng nhân sự cấp cao của CTD (Bao gồm HĐQT và Ban Tổng Giám đốc) hiện có 13 người: chiếm hơn phân nửa là dân tài chính; đặc biệt HĐQT chỉ có duy nhất 1 người có kinh nghiệp về lĩnh vực xây dựng. Điều này tương đối khác biệt với bộ máy cũ dưới thời ông Nguyễn Bá Dương. Ngoài ra, vị trí Tổng Giám đốc của CTD vẫn đang còn trống.

Không chỉ lãnh đạo cấp cao, hàng loạt cán bộ nhân viên của CTD cũng nghỉ việc. Ghi nhận, tổng nhân sự tính đến cuối năm 2020 của CTD giảm đến 30%, chỉ còn 1.659 người. Điều này từng dấy lên nghi vấn "chảy máu chất xám" tại CTD. Trả lời cổ đông tại Đại hội đầu năm nay, Phó Tổng Giám đốc Phạm Quân Lực cho biết: "Trong một công ty đang tái cơ cấu, việc có những người không phù hợp ra đi là đương nhiên".

Những tưởng câu chuyện người cũ rời đi đã kết thúc, sang năm 2021 CTD tiếp tục biến động nhân sự cấp cao. Trong diễn biến bất ngờ hôm nay ngày 7/12, bà Trịnh Quỳnh Giao xin rút khỏi HĐQT Công ty.

Được biết, bà Giao hoạt động khá lâu tại CTD trong vai trò đại diện cho cổ đông ngoại The8th, nắm giữ 10,42% cổ phần. Đặc biệt, trong căng thẳng cao trào giữa ban lãnh đạo cũ (Chủ tịch lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Dương) với nhóm cổ đông lớn (cụ thể là Kusto) vào giữa năm 2020, The8th cũng đã có động thái tố cáo ban lãnh đạo cũ, đứng về phía Kusto.

Trước đó ngày 30/11, ông Trần Trí Gia Nguyên cũng từ chức Phó Tổng Giám đốc sau 1 năm gia nhập CTD với hoài bão lớn. Ông Gia Nguyên là cựu lãnh đạo của Xây dựng Hoà Bình (HBC), năm 2020 sau khi CTD biến động thượng tầng, ông đầu quân cho CTD với hy vọng sẽ có được cơ hội lớn tại đây.

Dù vậy, thực tế có lẽ không như kỳ vọng. Điều này dấy lên nghi vấn liệu Coteccons đã có thể xử lý êm xuôi chuyện nội bộ chưa?

Biến động nhân sự cấp cao trong lúc kinh doanh gặp khó: Coteccons đang đánh mất vị thế tạm thời hay nguy cơ dài hạn? - Ảnh 2.

Trả lời, Chủ tịch Bolat Duisenov khẳng định nhiều lần rằng con người là giá trị cốt lõi của Coteccons. Những nhân sự chủ chốt của CTD hiện tại đều là những người gắn bó với Công ty từ 13 – 17 năm.

Còn nói về sự chảy máu chất xám, đại diện CTD không phủ nhận đầu năm tình hình nhân sự biến động, nhưng ngay cả khi cao điểm nhất tỷ lệ turnover vẫn chưa đến 50% như tin đồn, Công ty đã kiểm soát trở lại mức 20%. Một tháng trở lại đây, nhiều nhân sự cũ đang quay trở lại với CTD, và Công ty cũng đã tái cấu trúc tiền lương cho CBCNV. 

Hiện, nhân lực của CTD khoảng hơn 10.000 người, có thể thực hiện được 95% tiến độ các dự án. Công ty đang triển khai khoảng 50 dự án các loại trải dài Bắc – Trung – Nam, trong đó lực lượng quản lý vào mức 1.700 người, đủ đáp ứng được 60 dự án. 

Tình hình kinh doanh liệu có cải thiện?

Về kinh doanh, quý 3/2021 CTD tiếp tục chứng kiến doanh thu giảm mạnh hơn 61% so với cùng kỳ, xuống còn 1.070 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty giảm mạnh chỉ còn vỏn vẹn 1/10 cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, CTD lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lãi 89 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 2 CTD lỗ sau quý 4/2020 (lỗ khoảng 36 tỷ đồng theo số liệu sau kiểm toán).

Theo Chủ tịch Bolat Duisenov, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến bức tranh năm 2021 của CTD không tốt. Dự kiến cả năm 2021, Công ty đạt doanh thu từ 8.500 – 9.000 tỷ đồng, chỉ thực hiện 50% kế hoạch đề ra. Trong đó năm 2020 CTD cả năm không ký được hợp đồng nào mới đã ảnh hưởng rất nặng đến backlog của Công ty. Do đó, chỉ số kinh doanh không đạt được kỳ vọng đề ra.

Tuy nhiên, kết quả trúng thầu của CTD đang cho thấy tín hiệu tích cực. Tính đến nay, CTD cho biết tổng thầu trúng là 25.000 tỷ, riêng quý 4 ước tính chiếm 10.000 tỷ (trên tổng số 25.000 tỷ), nhờ phía Nam dần hồi phục và bước vào giai đoạn bình thường mới. 

Biến động nhân sự cấp cao trong lúc kinh doanh gặp khó: Coteccons đang đánh mất vị thế tạm thời hay nguy cơ dài hạn? - Ảnh 3.

CTD cũng đang trong giai đoạn đầu của chiến lược mới là ổn định: tức khôi phục lại sự tin tưởng của khách hàng cũng như nội bộ Công ty. 

Đặt kế hoạch cho năm 2022, CTD vẫn tập trung chủ yếu và xây dựng dân dụng. Riêng mảng đầu tư công Công ty đã bắt đầu tham gia và xúc tiến. Bởi, giá trị đầu tư công rất lớn từ 5 – 7 tỷ USD và cách làm việc của phía Nhà nước cũng đã cởi mở hơn nhiều. Do đó, CTD xem đây là một trong những định hướng sẽ tham gia, nhưng hướng vào các công trình mang tính trọng điểm như trung tâm dữ liệu, nhà ga sân bay, cao ốc văn phòng…

Đặc biệt, tại buổi đối thoại lần này, Chủ tịch cũng đã thẳng thắn trả lời cổ đông: Là dân tài chính, tại sao quyết định gắn liền với CTD? Cụ thể, dù suốt 13 năm ở Việt Nam chỉ làm việc với vai trò là nhà đầu tư, nhưng ông tin rằng năng lực về đầu tư tài chính của mình sẽ giúp CTD phát triển.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện là chủ tịch của một công ty. Vị trí hiện tại ở CTD có thể xem là sứ mệnh của bản thân thôi. Thời gian vừa qua chúng ta đã trải qua những chuyện mà mình chưa bao giờ nếm trải. Không ai hoàn hảo cả, nhưng tôi tin chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Đã một năm kể từ khi tôi ngồi vị trí Chủ tịch CTD. Lúc này, tôi có thể nói rằng Coteccons đã thực sự trở lại cuộc đua!".

Dù vậy, câu trả lời rõ ràng nhất có lẽ vẫn phải chờ đợi từ những chuyển biến thực tế và chỉ số kinh doanh thời gian tới của CTD. 

Biến động nhân sự cấp cao trong lúc kinh doanh gặp khó: Coteccons đang đánh mất vị thế tạm thời hay nguy cơ dài hạn? - Ảnh 4.
Tri Túc
Ý kiến của bạn
GRDP Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ GRDP Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ

Kinh tế Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp; ở trong nước, các tỉnh thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hà Nội đạt được kết quả GRDP 6,12% trong 9 tháng rất quan trọng và đáng ghi nhận.