Biện pháp nào giúp ngành mía đường Việt Nam được cạnh tranh sòng phẳng?
Dưới sức ép cạnh tranh, mía đường Việt Nam vẫn đang theo đuổi cuộc đua 'đòi công bằng', chờ từng ngày được áp thuế phòng vệ thương mại (PVTM).
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, ngành mía đường Việt Nam đang có những "bước lùi" đáng kể từ sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được thực thi. Sau 11 tháng ATIGA có hiệu lực, 11 nhà máy mía đường đóng cửa, thâm hụt cán cân thương mại...
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế này, Việt Nam đã nghiêm túc mở cửa theo cam kết quốc tế, trong khi đường ngoại qua cửa nước ta lại được “ưu thế về giá” (hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được bãi bỏ và giảm thuế nhập khẩu xuống 5% cho các nước ASEAN), dẫn đến đường Việt Nam bị “yếu thế” ngay trên chính sân nhà.
Mặt khác, cùng với đường nhập khẩu chính ngạch, thị trường mía đường Việt Nam đã và đang đối mặt với lượng lớn đường nhập lậu chưa được kiểm soát, dẫn đến giá đường thị trường bị đẩy thấp. Giá đường rẻ thì giá mía không thể cao. Giá thu mua mía thấp khiến nhiều nông dân ngậm ngùi bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến diện tích mía và sản lượng đường trong niên vụ vừa qua sụt giảm nghiêm trọng.
Chính điều này đã gây sức ép lớn lên ngành mía đường nói chung về hoạt động sản xuất và duy trì vùng nguyên liệu.
Các chuyên gia cho rằng, năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam không hề thua kém các quốc gia trong khối nếu được đưa về điều kiện ngang bằng. Nếu được áp dụng các biện pháp PVTM phù hợp với cam kết quốc tế thì cục diện ngành mía đường Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng tích cực và là lĩnh vực phát triển mạnh, không thua kém bất cứ ngành nào.
Trên thực tế, đối với nhiều nước, các biện pháp PVTM này đã được sử dụng từ lâu. Với Mỹ, Canada hay EU đều có những quy định về PVTM các đây gần 100 năm. Hay như các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, nhưng vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của họ.
Như vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại là một thực tế phổ biến trên thế giới, khi tự do hóa thương mại trong điều kiện công bằng thì biện pháp này sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập, bình ổn nguồn cung trong nước.
Ở Việt Nam, các quy định pháp luật trong nước liên quan đến PVTM cũng đã ban hành từ năm 2003 nhưng phải đến năm 2013, Việt Nam mới thực sự áp dụng PVTM với thép không gỉ về chống bán phá giá. Tuy nhiên, so với các nước, Việt Nam còn khá "non trẻ" trong việc áp dụng các biện pháp PVTM.
Theo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, tính đến tháng 11/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp PVTM, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với nhiều sản phẩm bao gồm đường... Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.
Chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” vừa qua, ông Nguyễn Xuân Thành - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng việc Việt Nam cần phải làm ngay là tiến hành các biện pháp điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với mía đường nhập khẩu. Việt Nam chấp nhận hội nhập nhưng cũng yêu cầu các nước trong ATIGA cần chơi đúng luật.
Việc tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp có thể có khó khăn, tốn kém nhưng nên làm, và giai đoạn này, các ban ngành cần thực hiện một cách bài bản, có lộ trình và làm một cách mạnh mẽ.
“Quá trình điều tra cần bảo đảm đúng về mặt hình thức, tuân thủ quy định luật pháp trong nước và quốc tế. Thứ hai là về kỹ thuật, nghĩa là điều tra hoàn toàn khách quan dựa trên số liệu thống kê đáng tin cậy. Theo đúng quy định, quy trình để thực hiện. Vì thế, dù tốn kém nhưng theo tôi, Bộ Công Thương vẫn phải dồn lực để làm” - ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Hồi tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước.
“Ngành sản xuất trong nước cũng đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường. Bộ Công Thương sẽ thực hiện điều tra theo đúng quy định của pháp luật để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh tới từ bên ngoài” - thông báo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Không chỉ Việt Nam, gần đây, Brazil và Úc đã liên minh với EU để chất vấn về tính hợp pháp của hệ thống hạn ngạch, trợ cấp đường của Thái Lan có phù hợp với các quy định do WTO đặt ra hay không? Cụ thể, Vào tháng 4/2016, Brazil đã chính thức đệ đơn khiếu kiện ngành mía đường Thái Lan ra WTO. Đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy các hành động bảo hộ của Thái Lan với ngành mía đường đã được nhìn nhận ở tầm quốc tế. Sau đó, Thái Lan đã phải tuyên bố điều chỉnh chính sách, năm 2019 đã có lộ trình sẽ thả nổi giá đường trong nước, điều chỉnh hạn ngạch….
Bên cạnh những giải pháp căn cơ hỗ trợ phát triển ngành mía đường bền vững thì các giải pháp quản lý về thương mại đối với sản phẩm đường mía cũng được đặt ra, đặc biệt là điều tra và áp dụng biện pháp PVTM với đường nhập khẩu (NK). Đã có những đề xuất và đánh giá cho thấy thuế PVTM sẽ là biện pháp trực diện và hiệu quả để đảm bảo ngành mía đường VN được phát triển trong sự công bằng, bình đẳng.
Theo đó, không chỉ gia tăng lợi nhuận cho các đối tượng trong chuỗi sản xuất đường của Việt Nam, thuế PVTM được áp dụng đồng bộ sẽ hạn chế được tình trạng gian lận thương mại, hợp thức hoá đường lậu dưới “lốt” các mặt hàng đường nhập khẩu chính ngạch được ưu đãi về thuế. Nếu ngành mía đường VN được triển khai thuế PVTM chặt chẽ, tuân thủ pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế với hiệu lực từ 5-10 năm thì cây mía Việt Nam sẽ có thêm thời gian “cứng cáp”, tự tin cạnh tranh sòng phẳng.
Dưới sức ép cạnh tranh, mía đường Việt Nam vẫn đang kiên trì theo đuổi cuộc đua "đòi công bằng", chờ từng ngày áp thuế phòng vệ thương mại. Hội nhập luôn đi kèm khó khăn, điều quan trọng là cả người nông dân và nhà máy gắn bó với cây mía lúc này cần sát cánh cùng nhau, tìm giải pháp ứng phó để thoát khỏi "cơn bĩ cực" trước mắt và phát triển ngành mía đường lâu dài.
Hoàng MaiBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.