Biến thể R.1 của COVID-19 nguy hiểm cần được theo dõi chặt chẽ
Biến thể R.1 của virus Sars-CoV-2 hiện đã được phát hiện ở 35 quốc gia và 2 vùng lãnh thổ của Mỹ.
Biến thể R.1 vốn lây nhiễm cho các cư dân và nhân viên y tế tại một viện dưỡng lão ở bang Kentucky, đã lây lan ra 47 bang tại Mỹ. Báo Newsweek dẫn số liệu của Cơ quan Y tế bang Kentucky cho biết, 45 cư dân và nhân viên y tế đã nhiễm biến thể R.1 sau khi một nhân viên chưa tiêm chủng mắc bệnh vào tháng 3.
Biến thể R.1, được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản, chứa những đột biến mới có khả năng vượt qua khả năng bảo vệ của kháng thể ở những người được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Cựu Giáo sư Trường Y Harvard - William Haseltine nhận định, 5 đột biến được tìm thấy trong R.1 có thể giúp biến thể này dễ lây lan hơn và tăng khả năng chống lại các kháng thể. Điều này đồng nghĩa với việc biến thể R.1 sẽ tránh được khả năng miễn dịch hình thành sau tiêm vaccine hoặc do từng mắc bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể R.1 chứa đột biến W152L có thể giảm hiệu quả của kháng thể. Đột biến W152L cũng có mặt trong một biến thể nhỏ của biến thể Delta được phát hiện ở Ấn Độ. Biến thể R.1 có chứa “bộ ba” đột biến thường được phát hiện ở các biến thể trước đây gồm đột biến C241U, đột biến P323L ở polymerase NSP12 và đột biến D614G. Trong đó, đột biến D614G có thể làm gia tăng khả năng lây lan của virus. Trong khi đó, giới khoa học chưa rõ tác động của hai dạng đột biến còn lại.
"Dù tiêm vaccine có khả năng giảm lây nhiễm và các triệu chứng bệnh nhưng 25,4% người cao tuổi tại viện dưỡng lão và 7,1% nhân viên chăm sóc vẫn mắc biến thể R.1 của COVID-19 sau khi được tiêm vaccine. Điều này xác nhận lo ngại về khả năng miễn dịch bị giảm trước biến thể R1", báo cáo của CDC Mỹ cho biết.
CDC Mỹ ghi nhận 4 ca tái nhiễm cho thấy khả năng miễn dịch tự nhiên bị hạn chế hoặc suy yếu trước biến chủng R1. Tuy nhiên, cơ quan này chưa đưa R1 vào danh sách biến chủng nCoV đáng lo ngại hoặc cần quan tâm.
Giáo sư William Haseltine cho rằng, R1 là biến chủng thực sự cần theo dõi mặc dù số ca nhiễm biến thể R.1 vẫn ở mức thấp. Bởi nó được đề cập đến trong hơn 10.000 mục của cơ sở dữ liệu GISAID SARS-CoV-2. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định không phải biến chủng nCoV nào cũng có thể trở thành chủng trội.
An MaiVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.